Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

100 MÉT XA HƠN NỬA VÒNG TRÁI ĐẤT.

      Tôi đi một mình, sau 22 giờ bay, tôi xuống sân bay Newark tiểu bang New York. Trước khi đi đã liên hệ bằng email và điện thoại, nói rõ số hiệu chuyến bay và ngày giờ xuống sân bay. Ông anh tôi đang sống ở thành phố Dove  New Jersey nói chắc chắn là sẽ ra tận sân bay đón. Nhưng khi xuống sân bay, ra khỏi cửa chẳng thấy có ai. Lúc ấy tôi chưa có điện thoại có thể gọi được trong nước Mỹ, nhìn vào điện thoại công cộng, máy gọi tự động và phải bỏ tiền xu vào, trong túi tôi lại không có tiền xu. Lần lượt những người cùng chuyến bay với tôi đã đi hết, lúc ấy là hơn 11 giờ đêm theo giờ Mỹ. Một thân một mình giữa nơi xa lạ, và tôi lại không biết tiến Anh. Mươi phút trôi qua trong chờ đợi, may quá, lại có một chuyến bay nữa xuống và rất nhiều người đi ra. Tôi bỗng nảy ra sáng kiến, cứ thấy người chấu Á nào là tôi hỏi "Ông có biết tiếng Việt không, ông có biết tiếng Hoa không ?”, Người thứ nhất lắc đầu, tôi đoán ông là một người Nhật, hai vợ chồng thứ hai cũng xua tay, lắc đầu, tôi đoán họ là người Hàn Quốc. Phải đến người thứ năm thứ sáu gì đó, ông ta dừng lại, hỏi tôi bằng tiếng Hoa: “Ông có việc gì cần giúp đỡ à". Tôi nói nhanh tình trạng của tôi và nhờ ông điện thoại cho số máy của ông anh. Ông nhìn vào mảnh giấy của tôi và bấm số, khi đầu bên kia có người lên tiếng, ông hỏi tôi “Có phải người này không ?” Tôi cầm máy và nói “ Đúng rồi, cảm ơn ông”. Ông lịch sự lui ra mấy bước để tôi nói chuyện.
- Em  đã xuống sân bay nhưng không tìm được anh.
- Kỳ đang ở chỗ nào?
- Em đang ở tầng 2, cửa số 9.
  Ông anh tôi À lên một tiếng rồi nói tôi cứ đứng đấy, 5 phút sau ông sẽ đến.
Khi đã ngồi lên xe, hai anh em nói chuyện mới vỡ lẽ, tôi đã nhập cảnh ở sân bay Seatle, và bay đến đây là tuyến nội địa, còn ông anh thì lại ra đón ở cửa ra quốc tế.
  Đó là câu chuyện 5 năm trước và câu chuyện cũng chỉ có vậy.
Còn mới hôm qua, khi tôi đi đón cháu ở nhà trẻ, vừa ra thì trời mưa rất to. Cả mấy chục người đành đứng lại ở tiền sảnh. Tôi không mang điện thoại, tôi muốn gọi về cho bà xã mang đồ che mưa ra. Thấy một cô gái đang gọi điện thoại, tôi chờ cô gọi xong và nhờ cô gọi giúp về nhà. Cô ta nhìn tôi đầy xoi mói, rồi trả lời gọn lỏn: “Máy của cháu hết pin rồi, bác thông cảm.” Tôi lại quay sang một người đàn ông trung niên nhờ ông gọi. Ông ta nhìn tôi vẻ khó chịu, rồi trả lời: “Tôi không mang điện thoại”.  Nhưng ngay sau đó, cũng chẳng cần giữ ý, ông quay sang phía khác và móc điện thoại ra gọi. Có thể ông đã áp dụng sáng hiến của tôi gọi người nhà mang đồ che mưa ra.
    Câu chuyện cũng chỉ có vậy. Tôi thực lòng không trách móc gì, sống trong môi trường nhiểu nhương, đầy rẫy những bất ổn, có  thể họ sợ tôi biết số điện thoại của họ rồi quấy nhiễu hoặc bày trò lừa gạt, cũng có thể họ sợ tôi đụng vào máy của họ và có những tác động phá máy hoặc…cũng có thể cùng sống trong môi trường này, tôi cũng đã hình thành một nét mặt gian giảo, khó tin tưởng được.
    Bỗng tôi nhớ lại câu chuyện 5 năm trước và tự than thở rằng 100 mét mà xa lạ hơn cả nửa vòng trái đất.


12 nhận xét:

  1. Dù thế nào, trong lúc tránh mưa đón con cháu hai người đó phải tỏ sự đáng tiếc và than thiện .Đáng buồn với văn hóa XHCN.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tiếc rằng, ngày nay nhiều người mất lòng tin với xã hội và mất lòng tin cả với nhau.

      Xóa
  2. Ta đang sống trong một XH nháo nhào thế này...Thật khó mà biết nên tin hay không tin. Những người kia cũng có thể có lý lẽ của họ anh ạ...Chỉ tiếc cho một đất nước mà người ta phải cảnh giác với người đồng bào của mình...Hôm qua em vừa nghe câu chuyện của một bác..kể ở bến xe but. Một thành niên đến ngồi cạnh một cô gái...Cô ta sợ quá phải nương vào bà già...vì...trên cổ cô ấy đeo một dây chuyền vàng anh ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những người cùng đi đón trẻ mà quá cảnh giác với nhau chứng tỏ trong xã hội chúng ta đã mất đi lòng tin giữa con người với nhau. Còn người cách xa nửa vòng trái đất mà rất nhiệt tình giúp tôi có lẽ một phần vì văn hóa của xã hội của họ, một phần thông thường ở nước ngoài gặp được một người nói tiếng nước mình thì rất vui vẻ và dễ hòa đồng ngay.

      Xóa
  3. Cũng có thể ban quá nghiêm nghị làm người ta sợ. Bạn cứ mỉm cười thân thiện có khi lại được... hì hì!
    Nếu gặp tôi, tôi sẽ bấm máy gọi bà xã hộ bạn ngay!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Với bạn bè thì khác, nhưng ra ngoài đường và ở nơi công cộng muốn cười cũng không cười được.
      Cảm ơn bạn sẽ gọi giúp tôi trong trường hợp tương tự. Hơn thế nữa, với bạn cũng như với các bạn QL mà không gọi giúp thì tôi sẽ ngất xỉu luôn.

      Xóa
  4. Tôi xin gợi ý với bạn thế này. Bạn có điện thoại di động chứ! Sao bạn không mang đi? Tôi đi đâu cũng mang điện thoại di động đi, kể cả đi chợ. Như vậy không bị bỏ lỡ những thông tin quan trọng: chắng hạn được mời đi ăn phở!!! Còn chuyện áo mưa nữa. Nghe nói Sài Gòn đợt này hay mưa, mà lại mưa đột ngột. Bạn nhớ câu Quân tử phòng thân nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn nói rất đúng. Ngày nay điện thoại DD đã thành vật bất ly thân. Có lần khi một hoa hậu thế giới sang VN, phóng viên hỏi cô ta, khi ra đường cô thường phải nhớ mang theo cái gì. Cô trả lời: " Điện thoại DD và chìa khóa". Đã có chuyện một người Nhật một hôm ra đường quên mang theo điện thoại, anh ta lên tắc xi, tài xế hỏi đi đâu anh ta không biết trả lời thế nào vì số nhà ghi trong ĐTDD, và anh không nhớ. Tài xế bảo anh nói số của bà xã để tài xế gọi hỏi bà. Anh ta cũng không nhớ. Cuối cùng anh đành phải nhờ tài xế gọi cho cô bồ. Anh ta chỉ thuộc lòng mỗi một số của bồ và không ghi số này vào điện thoại.

      Xóa
  5. Mình rất thích đọc những mẩu chuyện như thế này của bạn ! Càng ngày bạn viết càng hay. Chúc thành công !

    Trả lờiXóa
  6. Đúng là nhìn KG một là thấy hình ảnh XÃ HỘI ĐEN,hai là trông HÂM HẤP - SỢ QUÁ đi chứ !
    Còn tôi - tôi cũng không dùng điện thoại di động, nhưng hể trong trường hợp bí quá, tôi nhờ ai cũng gọi giúp, tuy bên trong là hồn xã hội "nhem nhuốc" nhưng bề ngoài thì rất nhã nhặn, lịch sự và có vẻ mang chút "dại khờ", già nua.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu là xã hội đen thì người ta đã sợ, hâm hấp thì người ta lại thương, đằng này lại dở dở ương ương nên người ta cho nghỉ.
      Còn Nhật Lệ thì : Người khôn giả dãi giả khờ,
      Để cho người dại bất ngờ, thua luôn.

      Xóa