Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

TP HỒ CHÍ MINH TRƯNG CẦU Ý DÂN VỀ CON ĐƯỜNG MANG TÊN ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

(GDVN) - Đường Điện Biên Phủ (từ giao lộ Điện Biên Phủ - Đinh Tiên Hoàng đến cầu Sài Gòn) và đoạn xa lộ Hà Nội thuộc địa phận quận 2 (từ cầu Sài Gòn đến cầu Rạch Chiếc) sẽ vinh dự được mang tên mới: Con đường Võ Nguyên Giáp.
Đó là tinh thần mới nhất mà lãnh đạo UBND TP. HCM vừa thống nhất trong việc quyết định chọn con đường để đặt tên Võ Nguyên Giáp, nhằm vinh danh công đức của Đại tướng với dân tộc.


                  
    Đường Điện Biên Phủ                    

Ngày 22/11/2013, tin từ Văn phòng UBND TP. HCM cho biết, lãnh đạo UBND TP. HCM vừa có yêu cầu Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP khẩn trương tổ chức trưng cầu ý kiến nhân dân thành phố về việc lấy tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt tên đường.
Chỉ thị của Phó Chủ tịch UBND TP. HCM – Hứa Ngọc Thuận nêu rõ, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP. HCM phải thực hiện chu đáo các bước lấy ý kiến người dân trên các địa bàn mà con đường Võ Nguyên Giáp dự kiến đi qua, sau đó tổng hợp, có công văn gửi UBND TP. HCM phê chuẩn trước ngày 25/11 này.
Và, theo phương án sớm nhất, dự kiến vào kỳ họp HĐND TP. HCM sắp tới vào giữa tháng 12/2013, UBND TP. HCM sẽ có tờ trình về vấn đề này để các đại biểu HĐND xem xét, thông qua.
Như vậy, nếu không có gì thay đổi, đến cuối năm nay, TP. HCM sẽ vinh dự trở thành địa phương thứ 4 trong cả nước có con đường vinh dự mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau các địa phương: tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Bình.
Được biết, con đường Võ Nguyên Giáp trong tương lai của TP. HCM, sẽ có tổng chiều dài toàn tuyến trên 7km, là tuyến đường huyết mạch, là cửa ngõ phía Đông của thành phố. Theo thiết kế trước đó, đường Võ Nguyên Giáp có nhiều lộ giới khác nhau, thay đổi từ 30m - 153,5m tùy theo từng đoạn.

                                      Nút giao thông Cát Lái - 
điểm nhấn trên đường Võ Nguyên Giáp trong tương lai. Ảnh: Lê Quân







                                          
                                                Cầu Sài Gòn ( cũ và mới)


                   Khu du lịch Văn Thánh  năm kề đường Điện Biên Phủ. 

Đây cũng là một trong những con đường rộng, thoáng, đẹp nhất thành phố hiện nay, với 6 làn xe ô tô và 2 làn xe máy. Cũng trên tuyến đường này, thành phố vừa đưa vào sử dụng cây cầu Sài Gòn mới, một công trình nhiều ý nghĩa trên mạng lưới giao thông của thành phố.







Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

SỰ THẬT VỀ CHƯƠNG TRÌNH NHƯ CHƯA HỀ CÓ CUỘC CHIA LY LẦN THỨ 11


Minh Nguyễn
Cách đây năm năm, vào đêm mồng 4 tháng 10 năm 2008, có lẽ chưa bao giờ những người thân của gia đình Đại tá Đinh Hữu Tấn, các bạn bè là cựu chiến binh thuộc Sư đoàn 320B cũng như những cựu chiến binh thuộc các đơn vị mà ông Tấn từng lãnh đạo trước đó và sau này, lại xúc động đến như thế, khi tất cả được chứng kiến khoảnh khắc người lính già đang bị căn bệnh Parkinson làm chân tay run lẩy bẩy, chồm bật dậy, lật đật ôm chầm lấy cậu con nuôi Võ Văn Phước từ trong sân khấu mếu máo bước ra trường quay. Hai cha con nghẹn ngào không nói nên lời, nước mắt chảy tràn, khiến tất cả bỗng chốc lặng đi.
Đó là buổi truyền hình trực tiếp chương trình NHƯ CHƯA HỀ CÓ CUỘC CHIA LY(NCHCCCL) trên VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam lần thứ 11. Điều đặc biệt gây xúc động đối với khán giả còn vì, đây là sự đoàn tụ hiếm hoi giữa một cán bộ chỉ huy Quân đội trong cuộc giao tranh đẫm máu, đã nhận một em bé con một người lính bên đối phương làm con nuôi, khi em bị lạc gia đình giữa dòng người di tản đang hoảng loạn. Mặc dù theo lệnh của trên, anh phải giao lại cho bộ đội địa phương, nhưng không vì thế mà anh quên được tình cảm của cậu bé đối với mình trong những ngày ngắn ngủi ấy. Anh đã đưa cậu bé đi từ Cheo Reo Phú Bổn, dọc theo đường Bảy, hành quân vào Nam chiến đấu, rồi dừng lại ở Củ Chi. Những năm tháng sau chiến tranh, anh mòn mỏi hỏi thăm về Võ Văn Phước, viết cả lên báo Cựu chiến binh và nhờ rất nhiều người tìm kiếm thêm, nhưng bặt vô âm tín.
Đại tá Đinh Hữu Tấn tìm lại được đứa con nuôi, không chỉ làm cho tinh thần anh thoát khỏi sự bứt rứt nhớ thương trong mấy chục năm qua, mà cả gia đình anh và bạn bè khắp nơi đều nhận thấy niềm vui của anh đã trọn vẹn. Tôi là người rất thân với Đại tá, cho nên niềm vui của anh cũng là niềm vui của tôi và gia đình tôi. Tôi từng được anh kể nhiều về những ngày cuối cùng trong cuộc chiến tranh Nam Bắc ấy. Chuyện về Võ Văn Phước bao giờ cũng được anh nói nhiều, viết nhiều. Chính vì thế, khi nhận được tin của chương trình NCHCCCL báo về gia đình, anh phấn khởi và hồi hộp lắm. Anh sắp xếp và chuẩn bị. Anh điện cho tôi và nhiều người thân về những kế hoạch, những dự định về tương lai khi có thêm một thành viên mới trong gia đình mình. Cứ như vợ chồng người lính già vừa sinh thêm một đứa con trong cuộc đời đã quá chiều muộn rồi. Anh nói: “Mình có ít tiền tiết kiệm đã thủ sẵn túi rồi nhé”. Tôi hỏi: “Thế anh có định đưa cháu về ngoài Bắc cùng anh không?”. “Cũng có thể lắm chứ!”. Rồi anh cười, tiếng cười của một người lính già mà nghe sao trẻ trung như của một chàng thanh niên mới lớn thế không biết. “Mình cứ nghĩ nó vẫn còn tý tẹo cậu ạ. Thằng bé nó hay lắm, nó tình cảm lắm, đêm ngủ nó thủ thỉ với mình đủ điều... không biết bây giờ nó bao lớn, không biết nó có nhận ra mình nữa không đây!”.
Thế nhưng, sau cuộc gặp mặt, được biết cuộc sống hiện tại của Phạm Văn Long (tên mới của Võ Văn Phước theo giới thiệu của MC Thu Uyên cho Đại tá Tấn) và vợ con cũng rất ổn. Vì thế, anh em chúng tôi theo gia đình Long lên thăm bố mẹ vợ của anh ta ở Tân Uyên Bình Dương mà thôi chứ không còn dự định gì khác như tôi nghĩ lúc đầu. Ở đây chúng tôi được biết vợ chồng Long - Trang cũng có một nếp nhà nhỏ cạnh nhà bố mẹ vợ, lại được gia đình bên vợ cho một vườn cao su sắp thu hái. Hiện tại vợ đi làm công nhân, còn chồng ở nhà lo toan mọi việc trong gia đình. Đại tá đã có những tình cảm hết sức mặn nồng khi gặp gỡ với gia đình bên vợ của Long/Phước. Hôm ấy, có bao nhiêu tiền mang theo anh đưa hết cho vợ chồng Phạm Văn Long. Anh nói với ông Lữ thân sinh ra cháu Trang: “Tôi không biết phải cảm ơn ông bà như thế nào nữa, vì ông bà và gia đình trong một thời gian dài đã giúp đỡ con chúng tôi nên người, lo cho nó có vợ có con đề huề như thế này, thật cảm động lắm. Nhưng cũng nói thật với ông bà, nếu như thằng Phước ở với chúng tôi ngay từ bé, nó không đến nỗi lận đận như trước khi đến với con ông bà đâu. Sự đời tréo ngoe như thế ai mà biết được, phải không ông? Và lúc này, cũng xin ông bà thông cảm cho, tôi chưa có điều kiện lo được cho các cháu. Vì vậy, một lần nữa, tôi lại nhờ ông bà, ông bà hãy thay chúng tôi giúp đỡ các cháu trong thời gian tới. Chưa biết rồi cuộc sống tới đây sẽ như thế nào, nhưng tôi tin – rất tin rằng – sau lần gặp gỡ này, các cháu sẽ nỗ lực vươn lên. Tôi và ông bà sẽ không phải hổ thẹn về chúng đâu!...”.

clip_image002
Vợ chồng Đại tá Đinh Hữu Tấn và gia đình Phạm Văn Long cùng bố mẹ vợ


clip_image004
Vợ chồng Đại tá và vợ chồng Phạm Văn Long


Sau khi vợ chồng anh Đinh Hữu Tấn ra Bắc, gia đình Phạm Văn Long vẫn thường xuyên xuống gia đình tôi chơi. Tôi có hỏi Long nhiều chuyện về gia đình trước lúc bị thất lạc. Nhưng thật kỳ lạ, Long không hề nhớ một chuyện gì về gia đình mình hồi còn nhỏ. Khi trả lời tôi, cậu ta thường nhìn đi chỗ khác và hay nói lảng sang những chuyện không đâu. Rồi một lần chỉ có cô Trang đưa hai cháu xuống. Cô báo tin có một người đến nhận Phạm Văn Long là con đẻ sau khi xemNCHCCCL. Ông ta nói nếu hai vợ chồng đồng ý thì đến quê ông ta mà ở. Nhưng vợ chồng Long không chịu. Tôi không nhớ chi tiết quê hương của người tự nhận cha kia ở đâu, nhưng tôi có khuyên cô Trang về nói với Long: Để biết sự thật, trước hết phải xác định ADN xem như thế nào. Nếu mà xác định đúng thì bố con nên nhận nhau, vì dù sao ông ấy cũng là cha đẻ của mình, ông không có lỗi khi để đứa con bị thất lạc. Một lần khác Trang xuống báo tin Long bỏ đi theo một người nào đó ở Vũng Tàu biệt tăm biệt tích... Sự bỏ đi này cũng giống như trước khi có cuộc tìm kiếm của nhân viên trong chương trình NCHCCCL. Họ đã tìm thấy Long cũng dưới Vũng Tàu, sau đó Long mới trở về với gia đình để gặp “bố nuôi”. Rồi Trang báo tin thêm người nhận cha của Long không muốn xác định ADN, ông ta nói: “Xác định ADN tốn 20 triệu, chi bằng tiền đó tao cho chúng mày!”. Tôi hơi lạ về những chuyện mà cháu Trang kể nhưng không muốn đi sâu tìm hiểu, và sự thể sau này như thế nào tôi cũng không được biết. Bẵng đi một thời gian dài sau đó, Trang lại đưa con xuống chơi, nói là Long đã về, nhưng không nói vì sao anh ta không cùng xuống. Lần ấy sắp nghỉ hè. Hai vợ chồng định đưa con ra thăm bố nuôi ở Thanh Hóa nhưng ngặt nỗi không có tiền đi lại. Lần nào cháu Trang đưa các cháu xuống tôi cũng cho các cháu tiền, lần ấy tôi cho Trang mượn đủ tiền tàu xe đi lại.
Vào năm 2011, đột nhiên tôi nhận được một tập tài liệu đánh máy rất dày do anh Đinh Hữu Tấn gửi tới. Trong tập tài liệu có một bức thư viết tay của anh Tấn. Bức thư với nét chữ nguệch ngoạc, rời rạc. Hình như anh viết trong một trạng thái tinh thần không ổn. Chưa bao giờ anh viết cho tôi một bức thư với tâm trạng lạ lùng như thế, nó có vẻ day dứt và... thế nào ấy, rất lạ! Thậm chí tôi không nhận ra giọng văn thường ngày vốn dĩ rất dí dỏm tình cảm của anh nữa. Anh nói chuyện về đứa con nuôi, rồi chuyển sang nói những chuyện đâu đâu, rất lẫn lộn. Tôi không hiểu. Sau này tôi mới biết anh đã chớm bị một chứng bệnh mới: trầm uất, về sau nữa thì chuyển thành bại não rồi mất hẳn trí nhớ. Cuối thư đó anh nói: “Em xem mớ tài liệu này và khuyên anh nên như thế nào nhé”! Và anh ghi lại địa chỉ của người gửi tài liệu cùng với những số điện thoại cần tìm.
Tôi ngẩn ngơ một lúc rất lâu. Sau khi tĩnh tâm lại tôi mở tập tài liệu ra... Trời đất. Thì ra chương trình NCHCCCL lần thứ 11 ấy có vấn đề hết sức nghiêm trọng. Phạm Văn Long không phải là Võ Văn Phước! VTV đã hư cấu câu chuyện vốn dĩ rất đẹp đẽ của Đại tá Đinh Hữu Tấn, phù phép biến một Võ Văn Phước mạo danh, sum họp với người lính già hiền lành, chất phác, bao năm trời mòn mỏi mong gặp lại người con nuôi của mình y như thật, làm cho triệu triệu người trên đất nước này thổn thức xúc động rơi nước mắt cùng với những người thật trên trường quay hôm đó của VTV1. Một sự giả mạo lạnh lùng, làm tôi không thể nghĩ Đài Truyền hình Việt Nam lại có thể đang tâm dàn dựng để lừa dối người xem như thế.
Bức thư của người gửi tập tài liệu nói anh biết rất rõ đội tìm kiếm trong chương trình NCHCCCL gồm những ai và việc tìm kiếm con nuôi của Đại tá Đinh Hữu Tấn do Phan Hiếu đảm nhiệm. Một ngày nọ, Phan Hiếu báo đã tìm ra Võ Văn Phước được đổi tên là Phạm Văn Long ở ấp Phú Bưng, xã Phú Chanh, Tân Uyên, Bình Dương. Thế nhưng trong CÔNG TY TNHH TRUYỀN THÔNG SÀI GÒN BUỔI SÁNG, nơi đang hợp tác với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện các chương trình NCHCCCL, có những người khẳng định Phạm Văn Long không thể là Võ Văn Phước. Sau đó Công ty Truyền thông Sài Gòn Buổi sáng đã họp, xác định điều đó và đuổi việc Phan Hiếu. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì chương trìnhNCHCCCL vẫn cứ tổ chức để Phạm Văn Long không phải con nuôi Đinh Hữu Tấn “sum họp” với ông. Bức xúc trước sự việc đó, một nhân viên trong đội tìm kiếm đã tự bỏ tiền ra tổ chức tìm cho ra Võ Văn Phước và đã tìm thấy qua rất nhiều lần đi lại hỏi han những người quanh khu vực Củ Chi.
Có một chi tiết khá thú vị. Bà Võ Thị Dơi mẹ đẻ của Võ Văn Phước (thường trú tại: thôn Phước Hữu, thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa Vũng Tàu), sau khi xem chương trình NCHCCCL, đã lần mò tìm đến gia đình Long ở Bình Dương. Tại đây Phạm Văn Long thú nhận mình không phải là Võ Văn Phước, mà chỉ là bạn với Võ Văn Phước mà thôi. Cuối cùng Long đã dẫn bà Dơi đến nhà Phước. Thế là, khi người nhân viên điều tra tìm kiếm Võ Văn Phước, sau khi tìm đến các nhân chứng khác, cuối cùng anh tìm đến nhà Võ Văn Phước, thì hai mẹ con đã sum họp. Nhờ cuộc sum họp này Phước mới đủ căn cứ làm hộ khẩu và chứng minh nhân dân, chấm dứt 46 năm không có giấy tờ tùy thân. Sự kiện Phạm Văn Long thú nhận không phải Phước mà chỉ là người quen của Phước, càng chứng tỏ Long đã cố tình mạo danh để nhận con nuôi với người bố chưa từng gặp mình bao giờ. Trách chi, trong chương trình phát trực tiếp Long chỉ nhận mình mới hai, ba tuổi lúc gặp ông Tấn nên không biết gì cả, trong khi Đại tá Đinh Hữu Tấn nói gặp Phước khi ấy đã 6, 7 tuổi rồi.
clip_image005clip_image005[1]clip_image007
Gia đình Võ Văn Phước thật và ông bà Đinh Hữu Tấn


Cuối thư người nhân viên điều tra viết: “Thưa bác, nếu sức khỏe của bác tốt, xin mời bác vào Sài Gòn một chuyến để gặp lại Phước và gia đình Phước. Hoặc ngược lại, nếu được sự cho phép của bác, cháu sẽ bố trí cho vợ chồng Phước ra Thanh Hóa gặp bác vào dịp hè năm nay. Cháu xin lo tất cả kinh phí nếu bác vào Sài Gòn, hoặc gia đình Phước ra Thanh Hóa”.
Còn khuyên gì nữa, tôi nói với Đại tá trên điện thoại, hãy nhận lời để anh nhân viên điều tra tốt bụng hiếm có này bố trí cho các cháu ra thăm, sức khỏe của anh bây giờ sao đi lại được. Đại tá cười lớn: “Lúc thì không có đứa con nào, bây giờ thì có tới hai đứa. Thôi thì mình nhận cả hai, càng đông con càng vui!”.
Câu chuyện về chương trình NCHCCCL lần thứ 11 mà Thu Uyên đã phát sóng bất chấp sự phản đối của những người khác, Đại tá Đinh Hữu Tấn nói: “Dù sao tôi thấy những người làm chương trình cũng rất tận tình với mình. Họ đã cho tôi tiền đi lại, vào Sài Gòn được tiếp đón chu đáo, lại có chỗ ăn ở đàng hoàng, còn mong gì hơn thế! Trong lúc trước đây mình đi tìm kiếm, phải chi phí đi lại rất tốn kém, mà cũng không tìm ra. Còn... Phạm Văn Long không phải Võ Văn Phước là điều rất đáng tiếc. Nhưng, trong xã hội mà chúng ta đang sống, có biết bao nhiêu chuyện đáng tiếc như thế đang xảy ra hàng ngày hàng giờ ai mà đếm xuể. Có những chuyện còn tày đình hơn thế rất nhiều, ví dụ như nạn tham nhũng chẳng hạn. Chúng ta nói chống, chống triệt để, chống đến cùng, nhưng thực chất toàn là đấm bị bông cho vui thôi. Hay các Tập đoàn kinh tế Nhà nước, “những quả đấm thép” đang ngày càng “đấm” vào nền kinh tế đất nước thì sao? Cho nên tôi cũng không muốn bới móc chuyện này ra làm gì, mình mệt mỏi lắm rồi, để như vậy đi. Nhưng tôi tin chắc, cái gì xấu xa thì cuối cùng, dù bọc kỹ đến đâu cũng tự nó lòi ra thôi”.
Chiều ý anh, tôi cũng để sự việc khép lại. Tuy nhiên, tôi thấy thật tội cho Võ Văn Phước, người con nuôi chính thức của ông. Cuộc sống của Phước rất lận đận. Giá như không có Phạm Văn Long xen vào hay chỉ cần Phạm Văn Long chỉ dẫn cho những người tìm kiếm biết về Võ Văn Phước, thì câu chuyện đâu đi xa đến thế này (tất nhiên không thể kết luận đây là dụng ý của cá nhân Phạm Văn Long bởi nếu là dụng ý cá nhân thì Long đã không dễ dàng thú nhận với bà mẹ đẻ của Phước và dẫn bà đến nhà Phước, điều đó chứng tỏ lương tâm Long thật ra vẫn còn trong trắng; nhưng Long chịu sự chỉ đạo từ đâu để có chuyện đóng kịch “thế chân” Võ Văn Phước trên sân khấu truyền hình thì phải xác định thật rõ ràng). Và giá như Võ Văn Phước được đoàn tụ cùng cha nuôi chính thức của mình ngay trong cuộc gặp gỡ đầu tiên do Đài Truyền hình bố trí, thì cuộc hội ngộ trọn vẹn biết bao nhiêu. Dù rằng Võ Văn Phước đã được gặp cha nuôi do kinh phí của nhân viên điều tra (vì cảm kích và bức xúc đã tự bỏ tiền túi) đài thọ, nhưng trong con mắt của những người chứng kiến chương trình giả mạo như ông Năm Nhuần, Huyện đội trưởng Huyện đội Củ Chi, Đại tá Dương Quốc Minh, Huyện đội phó và vợ ông là bà Huỳnh Thị Thảo, người có công nuôi Võ Văn Phước, không thể nói họ không bị tổn thất niềm tin rất nặng vào Đài Truyền hình Trung ương vì đã lừa đảo chính họ. Và nếu như, hàng chục triệu người xem truyền hình buổi phát sóng trực tiếp lần thứ 11 biết rằng đấy là một buổi sum họp ngụy tạo, chắc chắn họ vô cùng thất vọng về chương trình này và sẽ nghĩ rộng đến nhiều chương trình truyền hình khác nữa mà bao nhiêu con người hàng ngày để mắt trông vào, không hiểu có mấy phần là sự thật và mấy phần là dàn dựng ra, như người ta dàn dựng vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, bắt Chấn tập dượt cách giết người để quay phim lại trước khi xử án. Tôi lại lan man nghĩ ngợi, những việc phải dàn dựng do áp lực này khác từ đâu đó, thôi thì không nói, còn ở đây, có áp lực gì đâu mà phải lừa dối các bậc cao niên đáng kính như người lính già từng trải bao phen chinh chiến, chỉ huy Trung đoàn lập nhiều chiến công Đinh Hữu Tấn? Có thế do mối lợi tiền bạc nào đó được Nhà nước cấp cho theo quy định của chương trình này chăng? Nếu thế thì những người làm chương trình như Thu Uyên có trách nhiệm đến đâu? Bởi vì đây là một sự vô lương trắng trợn mà không hề biết rằng chính họ đã làm cho đạo đức xã hội bị xói mòn. Ai còn tin được phát ngôn thật giả ở những con người như thế nữa.
Mới đây, xem Chuyên mục phỏng vấn trên (VTV News) có bài “Trò chuyện với nhà báo Thu Uyên”. Một bạn đọc hỏi:Tôi đã theo dõi chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly và giờ là Trở về từ ký ức của nhà báo Thu Uyên. Tôi rất cảm động mỗi khi xem chị dẫn và tôi cảm nhận được cảm xúc thật của chị trong đó. Nhưng tôi có thắc mắc, như trong Như chưa hề có cuộc chia ly, chị đã khóc rất nhiều và có bao giờ chị mệt mỏi vì điều đó?”. Nhà báo Thu Uyên trả lời: “Khi thấy các gia đình được đoàn tụ, cảm xúc của chúng tôi rất lạ lùng, chúng tôi chảy nước mắt và cười, tôi nói như thế thay cho cả ê-kíp cả chương trình chúng tôi. Để làm nên một cuộc đoàn tụ, mất rất nhiều thời gian và trong cả quá trình đấy, chúng tôi vì có rất nhiều việc phải làm nên không phải khóc nhiều lắm dù đó là những câu chuyện rất bi thương. Mệt mỏi thì có mệt mỏi nhưng vì nghĩ không thể để những người gửi thư cho chương trình phải chờ đợi lâu và thất vọng nên chúng tôi rất cố gắng. Và thật kỳ lạ là chúng tôi càng cố gắng làm thì dường như càng có thêm sức.”
Không biết nên bình luận phần trả lời của nhà báo Thu Uyên như thế nào khi xem những chuyện giả như thật của chị trên truyền hình NCHCCCL lần thứ 11 năm ấy nhỉ?
Nếu tôi để sự việc này trôi qua, thì chính tôi cũng không thể thanh thản. Vì vậy, hôm nay tôi viết lại câu chuyện về Võ Văn Phước để khán giả truyền hình trên cả nước vốn rất yêu thích chương trình NCHCCCL của Đài truyền hình Việt Nam được biết sự thật. Tôi có tất cả các địa chỉ cần liên hệ. Nếu các bạn xem truyền hình cần giải đáp thắc mắc thì liên hệ với nhân vật chính Võ Văn Phước: Thường trú tại 137 Đoàn Minh Triết – Ấp Tháp – xã Thái Mỹ – huyện Củ Chi, ĐT: 0165 834 6104 sẽ được biết tất cả. Còn nếu như các bạn vẫn chưa hẳn tin, tôi xin cung cấp số điện thoại của bà Huỳnh Thị Thảo: 0837 950 560 người trực tiếp nuôi Phước từ nhỏ cùng bà Năm Sương: 0168 349 4548 để các bạn kiểm chứng thêm.
Nếu bạn nào cần xem lại chương trình NCHCCCL lần thứ 11 thì theo đường dẫn sau đây. Tuy nhiên chương trình có hai cuộc đoàn tụ. Cuộc đoàn tụ giữa Đại tá Đinh Hữu Tấn và Phạm Văn Long là phần 2 từ phút thứ 38 đến hết. http://haylentieng.vn/tvshow/nhu-chua-he-co-cuoc-chia-ly-so-11/
SG, ngày 10-11-2013
M.N.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

12 LY DO NÊN ĐẾN HÀ NỘI, 7 LÝ DO KHÔNG NÊN Ở LÂU


Dân mạng thích thú với "12 lý do nên đến Hà Nội, 7 lý do không nên ở lâu" 1
(Ảnh: Nguồn Internet)


Với cách diễn đạt đầy hóm hỉnh và sáng tạo, đạo diễn Lê Hoàng chỉ ra những lý do để bạn đến Hà Nội sẽ là:

1. Bạn phải biết hồ Gươm khi ở Việt Nam. Cũng như bạn phải biết “Hồ Thiên nga” khi ở nước Nga.

2. Bạn phải ăn kem Tràng Tiền, sau đó tự hỏi kem đã làm nên Tràng Tiền hay Tràng Tiền đã làm nên kem.

3. Bạn phải ăn bánh tôm hồ Tây để hiểu lý do gì họ không có bánh tôm hồ Than Thở.

4. Bạn phải ngồi uống nước chè trên vỉa hè để biết đấy không phải là quán nước. Đấy là diễn đàn.

5. Bạn phải tới phố Hàng Đào, và sẽ hiểu lý do gì ở đấy họ bán đủ các thứ, trừ quả đào.

6. Bạn sẽ được ngửi mùi hoa sữa và được hoa sữa ngửi lại mình bằng cách rắc sữa lên đầu.

7. Bạn sẽ được biết thế nào là một thành phố đang ngủ. Trong khi ngủ, thỉnh thoảng nó cựa mình và nghiến răng.

8. Bạn sẽ gặp những ông lái xe ôm mặc complê và đi giày tây.

9. Nếu may mắn, bạn sẽ được gặp cụ rùa. Bạn nhìn cụ và cụ nhìn bạn. Hai bên đều thán phục lẫn nhau.

10. Bạn sẽ được tới chùa Một Cột, và hiểu vì đâu chả cần đến cái cột thứ hai.

11. Bạn sẽ gặp một nhà thơ nhưng vẽ tranh, một nhà vẽ tranh nhưng lại xây nhà, một ông xây nhà nhưng lại là đạo diễn và một ông đạo diễn nhưng lại thiết kế dự án.

12. Bạn sẽ được ăn bánh chưng nhưng rán lên, sẽ được ăn quả sấu tuyệt ngon nhưng đựng trong những cái lọ tuyệt xấu và ăn những cái bánh gai không hề có gai.

Chỉ với 12 điều ngắn gọn, hình ảnh Hà Nội đã hiện lên thật chân thực và gần gũi. Đến với Hà Nội, các bạn sẽ được tham quan phố cổ, tham quan hồ Gươm, ăn kem Tràng Tiền, bánh tôm hồ Tây, ngửi mùi hoa sữa, gặp gỡ những con người lịch sự,... Cùng với những hình ảnh minh họa chân thực, nhiều bạn thể hiện sự háo hức, tò mò về một Hà Nội đầy điều mới mẻ. 

Cũng với những luận điểm của mình, đạo diễn cho biết các bạn cũng không nên ở lại Hà Nội lâu, bởi nếu không các bạn sẽ "phải lòng" những đặc điểm chỉ có riêng ở Hà Nội như:

1. Ở lâu sẽ quen nhiều. Quen thì sẽ phải về nhà ăn cơm. Không ăn sẽ bị coi là khinh người.

2. Ở lâu sẽ có nhiều chiêm nghiệm và tưởng niệm. Sẽ được tìm ra và mời họp lớp từ lớp một đến đại học.

3. Ở lâu thế nào cũng nghiện nước chè. Và nghiện cả cách uống một chén nước bé tí cả giờ đồng hồ.

4. Ở lâu thế nào cũng ăn nhiều ô mai. Và phát hiện ra nhiều thứ ô mai khá giống nhau.

5. Ở lâu sẽ phát hiện ra Hà Nội ít trẻ bán báo, nhưng nhiều trẻ đánh giày.

6. Ở lâu phát hiện ra nhiều chỗ ăn ngon. Nhưng cũng hiểu, muốn ngon phải leo trèo hoặc phải đi vòng vèo.

7. Ở lâu sẽ yêu một cô gái Hà Nội. Và nhận ra cô ấy thông minh, nhưng đáo để.


Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

CHIẾC ĐỒNG HỒ KỲ DIỆU

  Xin mời click vào link dưới đây sẽ có một cái đồng hồ rất kỳ lạ . Khi màn hình hiện ra, click vào đám người thì họ sẽ xếp thành giờ (hoặc là thành  kim chỉ giờ, phút , giây, hoặc người xếp thành con số chỉ giờ mỗi  khi click thay đổi.). Đồng hồ này rất chính xác, nó phù hợp với giờ giấc ghi trên computer của người đang sử dụng mó, dù ở bất cứ nơi đâu.  
                                          http://lovedbdb.com/nudemenC lock/index2.html

Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

DANH MỤC SÁCH NHẠC 
                 LỜI CA HỮU NGHỊ 

    Sách nhạc LỜI CA HỮU NGHỊ gồm những bài hát quen thuộc với các thế hệ thầy cô giáo và cựu học sinh đã từng sống và học tập ở Khu học xá Nam Ninh trong khoảng thời gian từ 1951 cho đến cuối năm 1958. Bản gốc cuốn sách được hoàn thành ngày 7 tháng 3 năm 1958. Sách gồm 213 bài, có nốt nhạc và ca từ.
    Nhân kỷ niệm 62 năm thành lập KHXTW, Ban liên lạc cựu giáo viên, học sinh KHXTW phía Nam đã sưu tầm và  cho ra mắt bản sao sách LỜI CA HỮU NGHỊ. Xin trân trọng giới thiêu dưới đây danh mục các bài hát. Các cụ cần tìm bài nào, xin cho biết, tôi sẽ post lên blog này hầu quý cụ. 
    Xin chân thành cảm ơn Ban liên lạc cựu giáo viên, học sinh KHXTW phía Nam.