Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

THIẾU TƯỚNG TÌNH BÁO PHẠM XUÂN ẨN ĐÃ CỨU TRÙM MẬT VỤ NGỤY QUYỀN TRẦN KIM TUYẾN NHƯ THẾ NÀO ?


Kỳgai:  Ông Phạm Xuân Ẩn là một nhà tình báo chiến lược và hoàn hảo. Những tin tức và phân tích tình báo chiến lược của ông  Phạm Xuân Ẩn được bí mật gửi cho bộ chỉ huy quân sự ở miền Bắc, chúng sống động và tỉ mỉ đến mức người ta kể rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã reo lên: Chúng ta đang ở trong phòng hành quân của Hoa Kỳ. Tổng cộng, Phạm Xuân Ẩn đã gửi về căn cứ 498 báo cáo bao gồm tài liệu nguyên gốc đã được sao chụp, các thông tin mà ông thu lượm cùng phân tích và nhận định của bản thân ông.
          Ngày 29-4-1975 ông Ẩn đã cứu bs. Trần Kim Tuyến, trùm mật vụ của ngụy quyền Sài Gòn.
         Theo Larry Berman, tác giả cuốn sách “ Điệp viên hoàn hảo” viết về Phạm Xuân Ẩn thì ông Ẩn bị nghi kị và bị quản chế tại gia, không được xuất ngoại, bị cấm tiếp xúc với bên ngoài, đặc biệt với giới báo chí ngoại quốc do cách suy nghĩ, cư xử "rất Mĩ" của ông cũng như việc ông giúp bác sĩ 
Trần Kim Tuyến ra khỏi Việt Nam vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Cho đến năm 1986, sự quản chế mới được nới lỏng dần. Trong vòng gần 10 năm, luôn có một nhân viên công an được giao nhiệm vụ canh gác trước cửa nhà ông





   …Cuộc tấn công cuối cùng vào Sài Gòn sắp bắt đầu. Kết cục của cuộc chiến tranh đến nhanh hơn mọi người nghĩ. Phạm Xuân Ẩn không ngờ khi thấy gần một triệu quân của quân đội Việt Nam cộng hòa lại có thể vỡ vụn chỉ trong thời gian từ tháng ba đến tháng 4-1975. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức.

   Tháng tư là tháng đầy lo âu đối với Phạm Xuân Ẩn, vì ông rất lo cho sự an toàn của gia đình và bạn bè mình. Ông nói: “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ di tản sang Mỹ, nhưng tôi cứ băn khoăn không biết có nên đưa vợ con sang đó không. Tôi không nhận được một hướng dẫn, chỉ thị nào từ Hà Nội, trong khi tôi luôn bị sức ép từ phía tạp chí Time thúc giục phải quyết định sớm”. Phạm Xuân Ẩn không bao giờ bỏ mặc mẹ mình ở Sài Gòn, tuy nhiên ông vẫn lo rằng có thể ông sẽ nhận được chỉ thị của Đảng phải đi di tản cùng với người Mỹ. Điều đó có nghĩa ông sẽ phải tiếp tục sứ mạng của mình tại Mỹ, mà về mặt cá nhân, ông không hề muốn. Một ngày sau khi Nguyễn Văn Thiệu di tản, vợ và bốn con của ông Phạm Xuân Ẩn đáp chuyến bay của Hãng truyền hình Mỹ CBS News rời Sài Gòn cùng với 39 nhân viên khác của tạp chí Time.
    Có một điều mà Phạm Xuân Ẩn không hề biết, đó là vào thời điểm ấy đang có một sự cân nhắc rất nghiêm túc của Quân ủy Trung ương thuộc Bộ Chính trị về việc có nên để cho ông tiếp tục công tác tình báo của mình tại Mỹ hay không. Chính đại tướng Văn Tiến Dũng cuối cùng đã quyết định nên để Phạm Xuân Ẩn ở lại Việt Nam: “Nếu Phạm Xuân Ẩn tiếp tục công tác đó, chắc chắn ông ấy sẽ thu được nhiều thông tin tình báo có giá trị cho đất nước. Tuy nhiên, sớm muộn gì ông ấy cũng bị lộ ở nước ngoài và như vậy tổn thất sẽ rất lớn”.
    Người từng tuyển mộ Phạm Xuân Ẩn làm tình báo viên là ông Mười Hương thì tỏ ra tiếc đối với quyết định này: “Khả năng của Phạm Xuân Ẩn sẽ được phát huy tối đa nếu được tiếp tục công tác tình báo ở nước ngoài”. Tôi hỏi ông Mai Chí Thọ về ý tưởng tiếp tục để ông Phạm Xuân Ẩn hoạt động tình báo ở nước ngoài, ông Mai Chí Thọ nói: “Về mặt nghiệp vụ mà nói, đó là một ý tưởng hay. Vỏ bọc ấy vẫn còn nguyên vẹn, ông ấy lại được người Mỹ tin cậy. Phạm Xuân Ẩn đã sẵn sàng, nhưng còn các điều kiện khác nữa. Ông ấy đã làm việc quá nhiều rồi”.
    Tại Sài Gòn, người ta lan truyền khắp nơi tin đồn rằng khi quân giải phóng vào thành phố sẽ có một cuộc tắm máu. Phạm Xuân Ẩn sợ ở nhà vì biết đâu đạn pháo có thể rơi trúng nhà mình. Nhưng ông đã được cho biết riêng về một thực tế rằng những người cộng sản đã xác định ba nơi an toàn, đó là Đại sứ quán Pháp, Bệnh viện Grall và khách sạn Continental của Pháp. Ông quyết định tốt nhất là cùng mẹ đến ở tại khách sạn Continental.


Ông Phạm Xuân Ẩn chứng kiến giờ phút những chiếc xe tăng 
húc đổ cổng dinh Độc Lập vào ngày 30-4-1975. 

Ông Phạm Xuân Ẩn gặp đại tướng Võ Nguyên Giáp sau ngày giải phóng Miền Nam. 


    Phóng viên ảnh tạp chí Time – Life Dick Swanson vừa từ nhà anh ở Bethesda, bang Maryland (Mỹ) trở lại Sài Gòn. Đã gần trọn hai ngày đêm Swanson không được ngủ khi ông đến gặp Phạm Xuân Ẩn tại văn phòng tạp chí Time. Swanson đã hỏi Phạm Xuân Ẩn một câu mà anh đã từng muốn hỏi trong nhiều năm trước đó: “Ẩn này, chiến tranh kết thúc rồi. Chúng ta đã quen biết nhau trong chín năm rồi. Anh có thể nói cho tôi biết anh là người của phía bên kia phải không?”. Phạm Xuân Ẩn đáp: “Tôi là người Việt Nam. Tôi muốn ở lại đây”. Swanson hỏi: “Sắp tới, anh có vấn đề rắc rối nào với cộng sản không?”. Phạm Xuân Ẩn trả lời: “Vào những thời điểm như lúc này, sự hiểm nguy có thể đến từ mọi phía”. Swanson nói: “OK, rất tốt khi biết rằng nếu tôi bị kẹt lại ở Sài Gòn thì còn có một trong số những người bạn tốt nhất của tôi là một người cộng sản”. Phạm Xuân Ẩn mỉm cười.
Cứu người cuối cùng
     Bác sĩ Trần Kim Tuyến (nguyên là giám đốc sở nghiên cứu chính trị xã hội của phủ tổng thống) bị lỡ nhiều cơ hội để đi. Vợ ông và các con đã sang Singapore dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Anh. Trong 12 năm qua, ông Trần Kim Tuyến khi thì ở trong tù, khi thì bị quản thúc tại gia. Trần Kim Tuyến ở vị trí cao trong danh sách của CIA về những người di tản. Từ nhà riêng của mình, Trần Kim Tuyến tìm cách liên lạc với các sứ quán Anh, Mỹ, Pháp, cũng như với các bạn nhà báo, nhưng tất cả các đường điện thoại đều đã bị cắt. Cuối cùng, Trần Kim Tuyến nối được máy với khách sạn Continental.
     Trần Kim Tuyến tới văn phòng tạp chí Time hỏi Phạm Xuân Ẩn có đi di tản không, ông Ẩn trả lời: “Không. Tạp chí Time đã đưa vợ con tôi ra khỏi đây rồi. Giờ tôi không thể nào đi được. Mẹ tôi già quá, lại ốm nữa, bà cần có tôi bên cạnh. Tất nhiên, anh phải đi”. Chuông điện thoại reo, đó là phóng viên Dan Southerland của tờ Christian Science Monitor điện thoại cho Phạm Xuân Ẩn kiểm tra về việc di tản. Trước khi ngắt lời Dan Southerland, Phạm Xuân Ẩn nói: “Dan này, chúng tôi cần anh giúp đỡ đây! Nhanh lên, xem anh có thể liên hệ với sứ quán Mỹ và bảo với họ rằng bác sĩ Trần Kim Tuyến vẫn còn đang ở đây với tôi, và họ cần phải đưa ông Trần Kim Tuyến ra khỏi đây ngay”.
    Dan Southerland đã liên hệ được với sứ quán Mỹ và đã nói chuyện với trưởng trung tâm CIA là Tom Polgar. Tom Polgar dặn nếu Trần Kim Tuyến không thể đến sứ quán Mỹ được thì đến ngay số nhà 22 đường Gia Long. Đó là một tòa nhà căn hộ được Cơ quan viện trợ phát triển quốc tế Mỹ sử dụng. Tầng trên cùng của tòa nhà này được phó trưởng trung tâm CIA sử dụng và lúc này được sử dụng làm bãi đỗ cho máy bay trực thăng chở người đi di tản. Tên của Trần Kim Tuyến cũng được đưa vào danh sách tại đó.
    Trần Văn Đôn từng làm phó thủ tướng và bộ trưởng quốc phòng trong nội các cuối cùng của Nguyễn Văn Thiệu. Lúc Trần Văn Đôn tới được tòa đại sứ Mỹ thì tình hình ở đó lộn xộn cũng giống như khi Phạm Xuân Ẩn và Trần Kim Tuyến đến. Trần Văn Đôn được hướng dẫn đến số nhà 22 đường Gia Long, đó là cơ hội cuối cùng dành cho ông ta. Khi Trần Văn Đôn lên được đến tầng thượng của tòa nhà thì Phạm Xuân Ẩn và Trần Kim Tuyến đi xe hơi cũng vừa đến được tòa nhà. Trần Kim Tuyến đã không gặp may như Trần Văn Đôn, những người lính gác đã đóng cổng và khóa lại. Phạm Xuân Ẩn liền phanh gấp cho xe hơi dừng lại, nhảy ra quát: “Theo lệnh của đại sứ, người này phải được cho vào”. Những người lính gác trả lời rằng không một ai khác nữa được phép vào trong. Trên nóc nhà, chiếc máy bay trực thăng cuối cùng chuẩn bị cất cánh.
     Nhưng khi cổng đang từ từ khép lại, Phạm Xuân Ẩn theo bản năng chạy lại dùng tay trái chặn cổng rồi lấy tay phải đẩy mạnh Trần Kim Tuyến với dáng người bé nhỏ chui qua cổng. Khe hở lúc đó chỉ còn khoảng chưa đầy nửa mét. Không có thời gian cho hai người nói lời tạm biệt và cảm ơn. Phạm Xuân Ẩn nói: “Chạy”. Cùng lúc đó, hai hàng nước mắt bỗng lăn xuống gò má ông. Trần Kim Tuyến cũng khóc và chẳng thể nói được điều gì ngoài câu: “Tôi sẽ không bao giờ quên”.
   Vài thập kỷ sau, Dan Southerland nhớ lại cái ngày tháng 4-1975 ấy: “Vào cái ngày cuối cùng ấy của cuộc chiến tranh, Phạm Xuân Ẩn đã giúp cứu mạng sống của một người từng ra sức chống lại những mục tiêu mà ông Ẩn đang bí mật theo đuổi và phụng sự trong suốt cả cuộc đời mình. Tôi sẽ luôn luôn nhớ tới ông Phạm Xuân Ẩn về điều đó”.
   Trần Kim Tuyến sẽ không bao giờ quên những gì mà Phạm Xuân Ẩn đã làm tốt cho mình. Sau này, Trần Kim Tuyến nói với các bạn rằng ông ta chỉ tin cậy hai người hơn bất kỳ ai khác, đó là Phạm Xuân Ẩn và Phạm Ngọc Thảo. Khi biết cả hai người này đều là những điệp viên cộng sản, Trần Kim Tuyến nói rằng nhìn nhận lại quá khứ, ông ta có thể nghi ngờ Phạm Ngọc Thảo, nhưng ông không thể nào tin được Phạm Xuân Ẩn đã làm việc cho cộng sản, “Phạm Xuân Ẩn không bao giờ để lại một bằng chứng nào dù là nhỏ nhất”.
LARRY BERMAN




12 nhận xét:

  1. Câu chuyện bạn viết ra hay và hấp dẫn quá. Nhưng đọc xong vẫn thấy thiêu thiếu vì cuộc đời ông tôi chưa được biết là bao. Sau 10 năm bị quản chế, hiện nay ông như thế nào... Giá có dịp được đọc quyển sách về đời ông thì hay quá!
    Cảm ơn bạn đã đưa bài này về blog.

    Trả lờiXóa
  2. Cô tôi là em con gì của bố tôi, là vợ của BS Trần Kim Tuyến. Thời gian gia đình tôi ở chợ Gốc Thái Bình, hai mẹ con cô tìm đến ở cùng với chúng tôi. Cô đi dạy học, nhưng theo kháng chiến gian khổ quá hai mẹ con cô đã dinh tê. Ít lâu sau nghe tin cô lấy một bác sĩ rồi vào Sài Gòn. Khi giải phóng tôi vào Sài Gòn có hỏi thăm họ hàng trong đó thì biết gia đình cô sang Anh vì cô nhất quyết không sống ở Mỹ sợ các con hư hỏng và cũng được biết cô luôn phản đối chồng và ngấm ngầm ủng hộ CM.
    Bài này tôi đã đọc trên mạng từ lâu và đọc cả về hoản cảnh gia đình và sự lặng lẽ qua đời của BS Trần Kim Tuyến.

    Trả lờiXóa
  3. Tôi cũng đã đọc nhiều về ông Trần Xuân Ẩn. Nhưng bài này với tôi vẫn mới và đọc rất cảm động. Cám ơn bạn

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chuyện trong bài này rất cảm động nhưng cũng khó đánh giá và giải thích. Về chuyện này tôi chỉ thấy một số nhà báo phương Tây nhắc tới, còn báo chí của ta thì im re. Tôi cứ tự hỏi ông làm như vậy là đúng hay sai và không trả lời được.

      Xóa
  4. Em và nhất là MK rất khâm phục Ô. TXA. Một con người nhân hậu, có tài và có cái tâm với CM nhưng không "mù quáng"!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ông Phạm Xuân Ẩn được đánh giá là điệp viên tầm cỡ quốc tế. Còn về tài năng báo chí của ông thì ngay đến ngày cuối cùng trước khi SG giải phóng vẫn còn rất nhiều tờ báo lơn trên TG chèo kéo ông.

      Xóa
  5. Những người làm tình báo của nước ta phải hy sinh cả gia đình và cuộc sống luôn hiểm nguy, nhưng tôi thấy họ bị "vắt chanh bỏ vỏ". Anh rể của ông xã tôi cũng nằm trong trường hợp đó. Gia đình anh ở Yên Bái bị coi là có con phản bội Tổ Quốc, bị tịch thu hết gia sản đất đai, anh chị em không ngóc đầu lên được. Làm việc với chính quyền Ngụy trong SG anh được họ tin tưởng đưa sang Nhật đào tạo điệp viên. Trong thời gian hoạt động về sau này chính quyền Ngụy nghi ngờ anh là người của Việt Cộng qua hành động đối với tù CS, nhưng không có chứng cứ nên chỉ đuổi việc anh thôi. Khi thống nhất đất nước anh lại bị ta nghi ngờ đến nỗi Stress mắc bệnh thần kinh trầm trọng. May mà hồi mới giải phóng tôi đã gặp anh khi còn tỉnh táo, anh đã giao tài liệu cho tôi mang về nộp cho bộ CA. Bộ đã cho anh điều trị nhưng anh không khỏi được nữa mà qua đời trong bệnh viện, nhưng gia đình anh cũng được minh oan và nhận lại nhà cửa đất đai.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thật đáng thương, khi làm tình báo sống giữa quân thù, giữa cái sống và cái chết chỉ là gang tấc thì không sao thế mà khi chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất thì lại không chịu nổi đến nội bị bệnh. Xem ra cuộc đời của gia đình anh cũng như những gia đình ... NVGP.

      Xóa
  6. Sau khi đọc blog này của bạn KỳGAi tôi có vào Google để tìm hiểu thêm. Mười năm sau của ông sống nặng nè, không được tin tưởng. Và ông cũng mất lòng tin khi chứng kiến cách sống của cán bộ ta sau giải phóng, đặc biệt là hiện tượng tham những phổ biến...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn ( 1927 - 2006) là một trong bốn con át chủ bài của tình báo chiến lược Việt Nam [ Thiếu tướng Đặng Trần Đức (Ba Quốc) (1922-2004), đại tá Phạm Ngọc Thảo (1922–1965), thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ (1928-2002)]
      Ông Phạm Ngọc Thảo bị địch giết hại năm 1965 tại Sài Gòn . Khi chiến tranh kết thúc, chỉ có ông Đặng Trần Đức là điệp viên duy nhất tiếp tục tham gia vào ngành tình báo quốc phòng Việt Nam, trong vai trò là một cán bộ tình báo và sau này là chỉ huy tình báo. Năm 1990, ông Ba Quốc được thăng quân hàm thiếu tướng và trở thành cục trưởng cục 12, tổng cục II, bộ Quốc phòng, phụ trách địa bàn phía Nam.
      Năm 1975 Ông Phạm Xuân Ẩn 48 tuổi, đang tuổi vững vàng và chín chắn. Nhiều bạn bè trong các tờ báo và cơ quan phía Mỹ rất tiếc vì ông đã buông xuôi mà không tiếp tục làm việc trong các công việc quan hệt Việt Mỹ, như bộ Ngoại giao thậm chí đại sứ VN tại Mỹ hoăc tại LHQ, họ tin rằng nếu được như vậy có thể quan hệ Việt Mỹ đã được cải thiện sớm hơn. Nhưng đó là mong muốn của một số bạn bè người Mỹ vả lại lịch sử không có chữ nếu.
      Năm 1990, Đại tá Phạm Xuân Ẩn được thăng cấp Thiếu tướng.
      Ông đã được tặng thưởng:
      Huân chương Độc Lập hạng nhì
      Huân chương Quân công hạng ba
      Huân chương Chiến thắng hạng ba
      Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất
      Huân chương Chiến công (1 hạng nhất; 2 hạng nhì; 1 hạng ba)
      Huân chương Chiến sĩ Vẻ vang hạng nhất, nhì, ba
      Huy chương Quân kỳ Quyết thắng
      Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng
      Năm 2006 ông được truy phong AHLLVTND.

      Xóa
  7. và cuối cùng chết trong ân hận ...vì những việc làm của mình đã mang lại một chế độ tàn phá đất nước.không độc lập ,không ấm no và không hạnh phúc

    Trả lờiXóa
  8. Gần đây thỉnh thoảng thấy xuật hiện trong Làng ta 1 vài tên viết comment với giọng điệu khiêu khích . Hoặc "chửi chế độ, chửi CS"( như Nhan trong còm trên), hoặc sặc mùi An ninh như " Ai lập ra Blog này ? Sao toàn chuyện tiêu cực...Hình như có cả ông Vũ Mão ...". Những lời lẽ lạc điệu và có vẻ "khiêu khích" này có nên xóa đi không.xin ý kiên các cụ ?

    Trả lờiXóa