Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

PHO TƯỢNG NHƯ NGƯỜI THẬT Ở CHÙA QUÁN SỨ




Gian Quan âm chùa Quán Sứ (Hà Nội) đang trưng bày pho tượng hoà thượng Thích Thanh Tứ, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với kích cỡ như người thật. Tượng được đưa về chùa dịp lễ Tiểu tường - một năm ngày hoà thượng viên tịch. Nhiều người đi lễ chùa ngạc nhiên vì không biết đây là người thật hay giả.
Thầy Thích Đức Thiện, Chánh văn phòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, tượng được làm tại Thái Lan trong một năm. Có hai pho tượng, một rước về đặt tại tháp chùa Nho Lâm (huyện Kim Động, Hưng Yên), quê của hoà thượng và pho còn lại tạm thời đặt tại chùa Quán Sứ.
Đây là thành quả của các tăng, ni, phật tử Thái Lan hiến tặng. Họ từng có tâm nguyện này từ năm 2008 nhân dịp Đại lễ Phật đản Liên hợp Quốc tại Hà Nội. Năm đó đoàn Phật giáo Thái Lan đã đến thăm chùa Quán Sứ và gặp hoà thượng Thích Thanh Tứ.
Thầy Thiện cho hay, hôm chuyển về pho tượng đầu tiên, khi qua cửa kiểm soát tại sân bay, nhân viên làm thủ tục đề nghị cho xem hộ chiếu của nhà sư còn lại vì tưởng pho tượng là người thật.
"Qua nhiều lần thử từ đất sét đến thạch cao, cuối cùng tượng được nặn bằng sáp", thầy Thiện nói.
Hai đại đức Thích Minh Quang và Thích Minh Nguyệt, đệ tử của hòa thượng Tứ hiện trụ trì tại chùa Phật Tích (Vientian, Lào) đã trực tiếp đứng ra phối hợp với Phật giáo Thái Lan làm tượng.
Dù quan sát ở góc nào, tượng cũng khá giống người thật.
Bàn tay trái đang lần tràng hạt với những nét nổi gân xanh như thật.
Bàn chân được tạo ngón với những đường nét rất chân thật.
Pho tượng tại chùa Quán Sứ này dự kiến sẽ được chuyển về chùa Thái Phù (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), nơi đệ tử của hòa thượng Thích Thanh Tứ đang trụ trì.







 

8 nhận xét:

  1. Rằm tháng giêng vừa rồi tôi đã đến chừa Quán Sứ lễ Phật và chiêm bái pho tượng này. Mọi người đều trầm trồ "giống như người thật!". Có một cô hỏi tôi "Có phải người thật đang ngồi trong tủ kỉnh không cô?"

    Trả lờiXóa
  2. Kỷ thuật bây giờ tinh xảo quá sức tưởng tượng. Làm ri mà hay đấy.

    Trả lờiXóa
  3. Cám ơn cụ, tượng quá giống người thật. Cám ơn các kiều bào Thái Lan đã cho xem mặt hoà thượng TT Tứ, khi ông còn sống chưa một lần gặp mặt, bây giờ qua bức tượng như được thấy ông đang hiện diện.

    Trả lờiXóa
  4. Kỹ thuật làm tượng sáp thế giới bây giờ cực kỳ giống thật . Tôi thiển nghĩ, loại tương giống y như thật này chỉ nên để trong bảo tàng nghệ thuật hoặc lịch sử , còn ở nơi thờ phụng mang tính tín ngưỡng thì hình như làm tương nhân vật y như người thật thế này có vẻ "trần tục" thế nào đó ! Thí dụ vào chùa tôi nhìn các bức tượng được bày trên ban thờ tạc bằng gỗ mít tuy mang một phong cách "phi tả thực" nhưng nó gợi cho thiên nam tín nữ trí tưởng tượng bay bỗng, siêu phàm hơn ... Xem tượng sáp giống thật người ta chỉ có thể thốt lên " Ồ, giống quá !" , chứ ít khi khen " Đẹp quá !" ( Hàm ý đẹp về mặt nghệ thuật ). Cảm ơn cụ đã cho xem bức tượng hòa thượng Thích Thanh Tú giống người thật quá !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi nhớ, thời chúng ta còn đang đi học đã có một cuộc tranh luận nên dùng sân khấu ước lệ hay sân khấu tả thật. Bây giờ chỉ còn thấy sân khấu ước lệ. Trong hội họa và điêu khắc thì hình như vẫn song song tồn tại cả 2 khuynh hướng nay lại thêm đồ họa vi tính. Còn trong tôn giáo thì xưa nay chỉ thấy tượng phi tả thực và thần thánh hóa. Từ những con nhân sư thời Ai Cập cổ đại, đến những tượng phật ở Trung Hoa, cũng như những tượng trong các chùa chiền ở VN. Dù rằng rất khâm phục tài năng của người làm tượng và tấm lòng của bà con phật tử nhưng có lẽ, qua gợi ý của cụ, tôi cũng thấy cần tạo ra những hình tượng tôn nghiêm siêu thực, thần thánh hóa ở nơi thờ cúng.

      Xóa
    2. Tôi rất quý cách cư xử và cách phản ứng của cụ KyGai, không phải trong "vụ" này mà ở vài lần khác nữa. Thái độ ấy chính là tôn trọng suy nghĩ khác nhau của người đang đối thoại với mình. Cụ Nguyên Hân 1 đôi lần không đồng ý với ý kiến của cụ KyGai. Tôi cũng vây. Nhưng bao giờ KyGai cũng bình tĩnh lắng nghe, khi cần trao đổi lại cụ gọi điện hoặc trực tiếp gặp nhau cụ cười hề hề " nói lại cho rõ". Vui vẻ cả làng ! Lần này, khi com rằng tôi không thích tượng sáp như thật của Hòa thượng đặt ở nơi thờ phươg tôn nghiêm thế ày, nghĩ cụ KyGai "buồn". Nhưng cụ lại viết :" Dù rằng rất khâm phục tài năng của người làm tượng và tấm lòng của bà con phật tử nhưng có lẽ, qua gợi ý của cụ, tôi cũng thấy cần tạo ra những hình tượng tôn nghiêm siêu thực, thần thánh hóa ở nơi thờ cúng. ". Thế là 2 chúng tôi hoàn toàn có chung một suy nghĩ về cảm thụ tâm linh và cảm thụ nghệ thuật ! Cái quý nhất không phải tôi đã thuyết phục được bạn tôi, mà là bạn tôi đã ứng xử đúng là ...TRƯỞNG LỚP !

      Xóa