Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2013

NHỚ VỀ MỘT " NGÀY TẾT " CÁCH ĐÂY 67 NĂM



        Cuối năm 1945, giặc pháp gây hấn và đánh chiếm nhiều vùng của Nam bộ, gia đình tôi từ Đà Lạt xuống Phan Rang. Ngày 30 tết ấy (1946), người lớn trong nhà bàn bạc xem nên ăn tết ở Phan Rang hay tiếp tục đi ra Bắc. Quyết định cuối cùng là phải đi ngay trong ngày hôm ấy ( 30 tết). Sáng sớm, ông ngoại tôi ra bến xe để mua vé, cậu tôi ( cũng là bố trong khai sinh của tôi) ở nhà lo sắp xếp đồ đạc, chờ có vé về là đi ngay.


Một góc phố Phan Rang xưa 


Sông Cái Phan Rang 


 Tín phiếu mệnh giá 2 đồng phát hành tại Ninh Thuận (chắc khoảng năm 1945). Ở đây ta thấy có chữ ký của “Đại biểu quân sự Ninh Thuận" và “Đại biểu UBKC - Uỷ Ban Kháng Chiến – kiêm hành chánh Ninh Thuận“. 

          Bỗng chúng tôi nghe tiếng ô tô quân sự gầm rít và tiếp đó là tiếng súng nổ vang. Quân Pháp đã đến Phan Rang, lính Pháp ở trên xe xả sung xuống hai bên phố để uy hiếp và bắn thẳng vào bất cứ người đàn ông nào mà chúng nhìn thấy. Bà ngoại tôi cõng tôi ( 5 tuổi) và kéo tay chị tôi ( 9 tuổi) chạy ra cửa. Tôi quay lại thì thấy anh Chẫu ( nam ô-sin của nhà tôi lúc bấy giờ), một tay xách va li, một tay xách tec- mốt, vừa chạy ra đến cửa bỗng khựng lại, hai tay buông đồ rồi người bỗng lùn hẳn xuống và ngã gục. Không thấy cậu tôi đâu, sau này ông kể lại ông đã lẻn ra cửa sau thoát đi. Bà ngoại tôi cứ cõng tôi trên lưng tay nắm chặt chị tôi tìm những hẻm khuất chạy dần ra bờ sông, đó là con đường duy nhất để đi về phía Nha Trang. Đi được một lúc, bà tìm một gốc cây ngồi nghỉ, bà mặc áo trắng, nên phải cố tìm một người dân ở gần đấy, để mua một bộ đồ nâu sòng khoác ra ngoài cho đỡ lộ liễu. Khi thay đồ bà mới phát hiện máu me đầy một bên áo, thì ra chị tôi đã bị thương, đang lịm đi. Vừa đúng lúc đó, một người lính Pháp chạy gần tới, bà nói một vài tiếng Pháp gì đó ( khi đó dân thành thị ai chẳng biết nói vài câu tiếng Pháp), sau này bà mới kể lại bà chỉ kịp nói : Đàn bà, trẻ con, bị thương. Người lính Pháp khựng lại, nhìn chị tôi, y vứt cho bà tôi một đoạn dây ga - rô rồi lại chạy đi. ( trong hàng ngũ quân Pháp vẫn có những người tốt). Bà tôi buộc ga - rô cho chị tôi rồi tiếp tục vừa bế vừa cõng chúng tôi đi ra phía bờ sông.
        Sông Cái Phan Rang về mùa khô, chỉ còn những lạch nhỏ, nhiều bãi cát rộng, có thể lội qua. Vừa leo được xuống bãi sông thì đã nghe thấy tiếng giầy đinh, tiếng lính Pháp xì xồ và tiếng súng chát chúa ngay ở trên đầu. Nép vào bờ sông, chúng tôi nhìn thấy những người đàn ông đang lội sông bị bắn gục xuống. Hoàn toàn trống trải, chỉ có một đống phân ngựa lớn bằng một chiếc ô tô tải. Hồi đó ở các tỉnh miền trung rất ít ô tô nhưng lại rất nhiều xe ngựa. Người ta để một chiếc túi đựng phân ngựa, khi chạy qua bờ sông thì đổ xuống thành đống. Khí hậu Phan Rang khô nóng, phân ngựa đổ xuống qua mấy ngày trở nên khô và xốp, không có mùi hôi thối. Bà tôi dùng hết sức bình sinh đào đống phân ngựa thành một cái hố như kiểu hầm ếch. Đủ chỗ cho ba bà cháu ngồi lom khom trong đó. Tiếng súng nổ liên hồi. Máu loang đỏ cả một khúc sông. Tiếng mooc - chiê nổ ầm ầm, và những cột khói bốc lên phía bờ đối diện. Cứ như vậy cho đến đúng giữa trưa thì nghe tiếng kèn thu quân. ( Hồi đó lính Pháp đánh trận theo giờ, có kèn tiến quân và thu quân ).  Không gian bỗng trở nên yên lặng hoàn toàn. Không còn tiếng quân Pháp trên đầu, bà tôi bế hai chúng tôi định ra vượt sông. Nhưng bà không lội được vì sức yếu và lại phải cõng hai cháu. Đúng lúc đó có một người đàn ông dắt xe đạp cũng đang định vượt sông. Bà tôi năn nỉ ông ta giúp đỡ, tôi thấy ông vội vàng vứt chiếc xe đạp chìm xuống nước rồi bế xốc hai chị em tôi và dục bà tôi chạy cho nhanh. Vừa sang đến bờ bên kia và được một số du kích ra giúp đỡ đưa vào chỗ kín đáo thì tiếng sung từ bờ đối diện lại vang lên từng hồi. Bà tôi cũng không kịp nói lời cảm ơn với người đàn ông đã giúp đỡ chúng tôi.  
        Chiều hôm đó quân Pháp bắt đầu vượt sông, chúng tôi lại chạy tiếp, gần tối thì tìm được đến một bệnh viện nhỏ, gọi là Nhà thương Đá Trắng. Chị tôi được băng bó, thuốc men nhưng vì mất nhiều máu nên rất yếu. Bệnh viện cũng chỉ còn lại lèo tèo vài ba y tá, hộ lý và 4 người thương binh. Đến tối lại nghe tiếng súng nổ mỗi ngày một gần, Trời tối đen như mực. Quay đi quay lại thi không thấy còn y tá, hộ lý nào nữa. Rồi bốn anh thương binh cũng tập tễnh dắt díu nhau đi khỏi. Chỉ còn lại ba bà cháu. Súng nổ ngày một gần và đã ngửi thấy mùi thuốc sung khét lẹt. Bà tôi lại cõng hai chị em đứng dậy nhưng bà không thể bước được, suốt ngày không cơm cháo gì và căng thẳng cực độ. Bà đặt chị tôi xuống, rồi bà bật khóc. Bà móc túi lấy một ít tiền, dấu dưới chân tủ, và nghẹn ngào nói với chị tôi: Bà không thể đưa cả hai con đi được. Bà để tiền ở đây, bà đưa em đi, nếu yên bà sẽ quay lại đón con, nếu có làm sao thì con lấy tiền ở đây nhờ người ta chăm sóc. Tôi nhìn chị tôi, chị đã lả đi cũng không còn khóc được nữa chỉ rên từng tiếng đau đớn. Bà tôi cõng tôi, bước ra cửa. Bỗng tôi thấy bà giơ tay vịn khung cửa rồi khụy xuống có lẽ lúc này không phải vì mệt mà là vì trái tim người phụ nữ trong bà đã ứa máu, bà không đủ sức để bước thêm dù chỉ một bước ra khỏi cửa. Bà ngồi xuống rồi quay vào bên cạnh chị tôi, bà vuốt ve, cưng nựng chị tôi, lấy nước cho chị tôi uống. Rồi bà quay sang phía tôi, vuốt tóc, vuốt má nức nở: Cháu ngoan của bà, cháu ngoan nhất của bà…. Chắc lúc này bà nghĩ đến cái chết của cả ba chúng tôi. Bà vừa chăm sóc vừa lắng nghe tiếng súng nổ. Rồi điều may mắn lại đến, tiếng kèn thu quân vang lên, tiếng sung thưa dần rồi im bặt.
                 Trong giờ phút gian nan hiểm nghèo nhất, chúng tôi đã qua khỏi là nhờ trái tim thương yêu cao cả sẵn sàng hy sinh thân mình của bà tôi -  một người phụ nữ. Không biết nếu không có bà thì chúng tôi sẽ thế nào.
        Sau đó vài tháng chúng tôi lần lượt gặp lại ông ngoại tôi và cậu tôi trong rừng Trường Sơn, cả gia đình 5 người tiếp tục lặn lội đi ra Bắc.


Sau mấy năm ở Việt Bắc ( 1947-1951)  tôi vào trường TSQ Việt Bắc rồi TSQ Việt Nam và được sang Quế Lâm. Đây là bức ảnh chụp trước khi vào trường TSQ VN và sang TQ ( 1951). 
       
       Ngày 30 tết năm đó là ngày đầu tiên trong đời tôi tận mắt nhìn thấy máu lửa chết chóc, trước ngày toàn quốc kháng chiến gần 1 năm. Đó cũng là ngày đầu tiên của tôi bắt đầu cho gần 30 năm rong ruổi giữa hai cuộc chiến tranh.
       30 năm sau ( 1975), tại Phan Thiết , tôi mới gâp lại mẹ tôi cùng 3 người em mà tôi chưa hề biết mặt. Bố tôi đã mất ở Sài Gòn năm 1963.

       56 năm sau ( 2001), tại Sài Gòn tôi gặp lại người anh sinh đôi với tôi, khi ấy ông đã định cư ở Mỹ.


     
 60 năm sau, tại New Jersy Hoa Kỳ tôi gặp lại người anh trên tôi 3 tuổi, ông sang Mỹ từ 1958 và đã không nói được tiếng Việt, hai anh em ruột nói chuyện với nhau phải có phiên dịch.
                       



10 nhận xét:

  1. Ôi, cụ có những bức ảnh tư liệu thật quý và một kỷ niệm thật buồn về ngày 30 tết năn ấy. Chúc mừng cụ đã được người bà ngoại thương yêu với một trái tim kiên cường, bất khuất máu mủ ruột già để cụ có được ngày hôm nay. Chúc cả nhà hạnh phúc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

      Xóa
    2. Một kỷ niệm về ngày 30 tết mà tôi không bao giờ quên. Những bức ảnh về Phan Giang xưa tôi lấy trên mạng. Ảnh gia đình tôi có được khi gặp lại gia đình sau năm 1975. Bức ảnh trước khi đi TQ là bức xưa nhất mà tôi vẫn giữ được. Ảnh chụp ở Cục Tuyên Huấn TCCT, Thái Nguyên, 1951. Người đứng bên tay trái tôi là cụ Lưu Văn Lượng.
      Năm mới chúc cụ cùng gia đình mạnh khỏe hạnh phúc.

      Xóa
  2. Bài của bạn tôi đã đọc nhiều lần trước đây, vậy mà đọc lại vẫn vô cùng hấp dẫn, mặc dù tôi vẫn nhớ từng chi tiết. Cảm ơn bạn đã đăng lại để các bạn chưa đọc được chia sẻ những kỷ niệm quý giá của bạn và thấy được hình ảnh và tình cảm, công lao của người Bà đáng kính của bạn, hiểu biết thêm về một thời kỳ máu lửa của dân tộc ta mà chính bạn đã trải qua. Chúc đại gia đình của bạn dù ở đâu cũng luôn luôn hạnh phúc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nội dung bài này tôi đã đăng trên blog trong bài đầu đề " Ngày đầu tiên máu lửa". Nhân dịp tết, tôi đăng lại và có bổ sung một số chi tiết và đưa thêm ảnh vào. Năm mới chúc bạn cùng con cháu vui khỏe hạnh phúc.

      Xóa
  3. Công Kỳ thuở nhỏ bé con con,
    Nhưng vẫn vui tươi vẫn cười giòn (ảnh chụp ở Việt Bắc),
    Xa mẹ, xa cha thân côi cút,
    Cuộc đời đơn giản chẳng lo toan.
    Khó khăn mọi bề luôn khắc phục,
    Bên thày bên bạn thật đường hoàng (những ngày ở Quế Lâm).

    Trả lờiXóa
  4. Anh em cùng mẹ, cùng cha,
    Hơn nửa thế kỷ chia xa hai đường,
    Gặp nhau tóc đã bạc sương,
    Mỗi mảnh đời ở một phương xa vời.
    Cũng lớn lên được thành người,
    Ơn thầy nhờ bạn nhờ đời mà nên.

    Trả lờiXóa
  5. Tuổi thơ của bạn gia đình phải ly tán và đã trải qua những ngày thật là kinh hoàng!
    Số phận đã đưa đẩy bạn kịp gặp lại được mẹ mình và 3 đứa em chưa biết mặt. Cuối đời lại gặp được người anh sinh đôi và anh cả. Còn 3 đứa em hiện nay thế nào? Tôi không hiểu tại sao người anh lớn đến năm 1958 mới sang Mỹ, lúc ấy đã lớn rồi mà có thể quên được tiếng mẹ đẻ phải nói chuyện với em trai mình qua người phiên dịch như thế?

    Trả lờiXóa
  6. Cảm ơn bạn đã ghé thăm. 3 người em của tôi hiện có 2 ở Na Uy và 1 cô em gái ở Phan Thiết. Đúng là người anh lớn sang du học ở Mỹ năm 1958 khi đó đã 20 tuổi, nhưng từ đó ông hầu như chỉ tiếp xúc với người Mỹ, học và làm việc với người Mỹ, lấy vợ Mỹ. Từ 1958 ông chưa về VN lần nào. Có 1 lần cách đây khoảng 35 năm, ông bị bệnh nặng, khi khỏi bệnh ông quên nhiều và phát âm khó khăn ông phải tập nói và chỉ tập nói được tiếng Mỹ vì ít tiếp xúc với người Việt nên không tập nói lại tiếng Việt. Là anh em ruột nhưng tôi chưa ngủ cùng nhà và chưa ăn cơm ở nhà ông lần nào. Khi sang Mỹ tôi ở nhà người anh sinh đôi và khi đến nhà ông thì ông bà chỉ tiếp tôi bằng bánh ngọt. Cũng xin nói thêm là bảy chị em chúng tôi chưa một lần nào cùng gặp mặt, lần đông vui nhất chỉ có 4 người.

    Trả lờiXóa
  7. Tôi cos cái tật xem blog rất kỹ, xem hình càng kỹ và lâu, nên nhiều lúc không có thời gian com. ngay.
    Hôm nay tôi lại xem lại bài này của cụ và lại vẫn những cảm xúc ban đầu khi ngắm các bức ảnh của một thời kỳ xa xưa.
    - Hai anh em sinh đôi khuôn mặt không giống nhau lắm. Không biết tính cách ngoài đời có giống nhau không.
    - Cái thời kỳ kháng chiến nghèo khổ quá. Tôi cũng có những cái ảnh trông còn "xơ xác" hơn của cụ. Trông ảnh của cụ, đám con trai thì không nói, quần áo như thế là đầy đủ, lành lạn, nhưng nhìn co gái mặc chiếc áo trắng đứng cạnh chị mặc áo đen, tôi lại liên tưởng đến thời buổi này. Các cô gái tha hồ diện váy này đầm khác (tuổi mới lớn mà). Thật TỘI NGHIỆP cho các cô ấy. Thương quá !

    Trả lờiXóa