Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

CHẤT VẤN VÀ MÁY ĐẾM PHIẾU CỦA QUỐC HỘI

TƯ LIỆU SƯU TẦM 
  
       Sự chuyển động của Quốc hội , không nằm ngoài ảnh hưởng của những chính sách đổi mới trong Đảng, nhưng bản lĩnh của từng cá nhân lãnh đạo Quốc hội đã đóng một vai trò quyết định.
       Ngày 24-6-1981, khi nắm quyền điều khiển kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VII, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã mời các ủy viên Bộ Chính trị, những người trong các nhiệm kỳ trước vẫn ngồi trên các dãy ghế Chủ tịch Đoàn, rời khỏi lễ đài. Quyền chủ trì các phiên họp Quốc hội, từ hôm đó, được trả lại cho chủ tịch và các phó chủ tịch Quốc hội. “Cuộc cách mạng” này về sau đã không chỉ tạo ra sự thay đổi về mặt hình thức. Ngay trong nhiệm kỳ thứ VII, tại kỳ họp thứ 10 vào cuối năm 1985, Đại biểu Đào Thị Biểu, tỉnh ủy viên Tỉnh Cửu Long, thay vì đọc bản tham luận được “duyệt” trước, đã “rút từ trong cặp” ra một bài phát biểu khác, nêu đích danh những cá nhân mà theo bà, phải “chịu trách nhiệm trước nhân dân” trong vụ “giá - lương - tiền”.
     Dù vậy, Quốc hội chỉ bắt đầu trở thành một diễn đàn kể từ khóa VIII, được bầu vào ngày 19-4-1987, gần bốn tháng sau Đại hội Đảng lần thứ VI. Ở kỳ họp thứ nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã làm không ít đồng chí của ông ngạc nhiên khi đưa bà Ngô Bá Thành lên làm chủ nghiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Chức danh chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội được xếp ngạch tương đương hàm bộ trưởng, và bà Thành trở thành người đầu tiên từng cộng tác với chế độ Sài Gòn đạt được vị trí này. Sự kiện ba mươi ba đoàn đại biểu Quốc hội, đa số là các đoàn miền Nam, giới thiệu ông Võ Văn Kiệt ra tranh cử chức chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng với ông Đỗ Mười (tháng 6-1988) đã cho thấy các đại biểu đã không còn đến Hội trường Ba Đình để chỉ giơ tay như trước.
     Chủ tịch Lê Quang Đạo đã đóng một vai trò quan trọng trong những bước dân chủ hóa đầu tiên của Quốc hội. Ông Lê Quang Đạo vốn là trung tướng, phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nhưng khi trở thành chủ tịch, ông đã điều hành các phiên họp Quốc hội một cách mềm mỏng và uyển chuyển với sự trung thực và lịch lãm, ông Đạo giúp các đại biểu có cảm giác an toàn khi đưa ra ý kiến của mình. Cách điều khiển phiên họp của ông đã tạo ra đột phá trong sinh hoạt nghị trường, thu hút được sự chú ý của công chúng vào Quốc hội.
     Lịch sử chất vấn chắc chắn phải được đánh dấu bởi sự kiện ngày 20-12-1991. Hôm đó, sau khi đọc xong một bản báo cáo, Bộ trưởng Tài chính Hoàng Quy đã định xách cặp đi xuống, nhưng Chủ tịch Lê Quang Đạo yêu cầu ông đứng lại. Cả hội trường xôn xao. Hàng chục đại biểu đưa tay xin đặt câu hỏi. Cuộc chất vấn trực tiếp đầu tiên của Quốc hội Việt Nam xã hội chủ nghĩa đã diễn ra như vậy suốt hai giờ liền.





      Sự xuất hiện của ông Vũ Mão vào năm 1987 với vai trò chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước cũng đã tạo ra những thay đổi không nhỏ trong cơ quan này. Những đóng góp làm thay đổi Quốc hội của ông Vũ Mão thường bắt đầu từ bản tính thích tìm tòi cái mới của ông. Trước đây, khi Quốc hội biểu quyết “quyết định những vấn đề lớn của đất
nước”, chủ tịch đoàn kỳ họp chỉ cần hỏi “ai đồng ý giơ tay?” là lập tức cả hội trường giơ tay; rồi chủ tịch đoàn lại hỏi “ai không đồng ý giơ tay?” là có thể tuyên bố “một trăm phần trăm” ngay. Nhưng vào cuối thập niên 1980, khi Quốc hội phải biểu quyết việc chia lại địa giới hành chính của các tỉnh, có những phiên biểu quyết hàng trăm người giơ tay “không đồng
ý”. Trưởng đoàn thư ký, luôn là ông Vũ Mão, không còn nhàn hạ hô “trăm phần trăm” nữa.
     Năm 1989, ông Mão quyết định đặt hàng bên quân đội thiết kế cho Quốc hội máy đếm khi biểu quyết. Chiếc máy đếm đầu tiên mà Quốc hội Việt Nam sử dụng chỉ có hai nút, “đồng ý” và “không đồng ý”. Những con số tăng, giảm, ngập  ngừng trên bảng điện đã tạo thêm kịch tính cho hoạt động Quốc hội. Đầu thập niên 1990 tranh luận xuất hiện thường xuyên hơn trên diễn đàn, nhất là thời gian Quốc hội thông qua hiến pháp. Cũng thời gian đó, khi thăm Nghị viện Đài Loan, ông Vũ Mão “phát hiện” máy đếm của họ có ba nút: “đồng ý”, “không đồng ý” và “không biểu quyết”. Theo ông Nguyễn Sỹ Dũng người tháp tùng ông Mão trong chuyến đi này, ông Vũ Mão quyết định thiết kế máy biểu quyết mới “theo chuẩn quốc tế”. Nhưng trên ông Vũ Mão lúc đó còn có một chức danh trung gian: tổng thư ký Quốc hội và Hội đồng Nhà nước. Nắm chức vụ này lúc bấy giờ là ông Nguyễn Việt Dũng, một con người cực kỳ nguyên tắc. Trước một chuyến công tác, ông Vũ Mão giao cho Thư ký Nguyễn Sỹ Dũng phải thuyết phục ông Nguyễn Việt Dũng. Thay vì gặp tổng thư ký, ông Sỹ Dũng thảo một tờ trình để một phó chủ nhiệm Văn phòng ký đưa thẳng lên chủ tịch Quốc hội. Ông Lê Quang Đạo nhất trí liền. Nhưng để lệnh của chủ tịch có thể thi hành, vẫn phải qua tổng thư ký. Ông Sỹ Dũng lại phải đi gặp ông Việt Dũng. Ông Việt Dũng nói: “Chủ tịch đã đồng ý thì cứ thế mà làm”.
 Chương trình hợp tác đầu tiên ký với tổ chức liên minh quốc hội thế giới   đã giúp Văn phòng Quốc hội lập mạng máy tính và lắp đặt phần mềm ghi tốc ký biên bản. Quốc hội trở thành cơ quan nhà nước đầu tiên sử dụng máy tính ở Việt Nam, và kể từ lúc đó, từng lời phát biểu trên hội trường của các đại biểu được ghi lại và lưu trữ.            
Từ ngày 14-5-1998, các phiên chất vấn của Quốc hội đều được Đài Truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp.
     

9 nhận xét:

  1. Như vậy Quốc Hội là người đầu tiên sử dụng MT tại VN?, việc kiểm phiếu nhanh và chính xác. Chỉ mong QH vì nhân dân mà đấu tranh với cái sai, thực hiện cái đúng thật tốt, đừng là tồn tại để mà tồn tại.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Theo tôi biết, từ cuối thập niên 70 ở nước ta đã có những cơ quan sử dụng máy tính thế hệ trước, là loại máy tính đục lỗ trên giấy, mỗi chiếc máy tính to bằng cả căn phòng. Cuối thập niên 80 đã có những người sử dụng máy tính thế hệ hiện nay. Năm 1992 tôi làm việc ở ban quản lý khu chế xuất Tân Thuận đã thấy có máy tính cá nhân trong văn phòng. Nhưng quốc hội là CƠ QUAN NHÀ NƯỚC đầu tiên sử dụng máy tính nối mạng với nhau.

      Xóa
  2. Cám ơn bác đã sưu tầm được một tư liệu rất hay mà bây giờ em mới biết. Cũng xin thú thật là trước đây em không mấy quan tâm đến những vđ thuộc giới chính trị ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn đã vào thăm blog của tôi. Tôi sưu tầm những tư liệu này mục đích chính không phải là đề cập đến vấn đề chính trị mà là vấn đề lịch sử. Qua đó chúng ta thấy những bước phát triển về cách thức làm việc của cơ quan quyền lực cao nhất của nước ta.

      Xóa
  3. QH đã đi trước trong nhiều việc cụ thể, liệu lần này có dám gánh lấy trách nhiệm là cơ quan quyền lực cao nhất của nước VN mới với bản HP mới về chất trên con đường dân chủ hóa để tiến lên ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. So với trong nước thì QH đã đi trước trong một số việc cụ thể, những việc tưởng như phải là điều tất nhiên trong sinh hoạt nghị trường và là điều thế giới đã làm từ hàng trăm năm nay, nhưng ở nước ta cũng phải mất gần 50 năm ( kể từ quốc hội 1946) mới làm được. Nhân đây xin thưa lại với cụ tại sao trong LSQL khi thảo luận về đề nghị của ông Vũ Mão, tôi lại đề nghị nên để chủ tịch QH và TBT là một người... Tôi nghĩ rằng trong điều kiện tương quan hiện nay, xu hướng là ngay cả sau khi sửa đổi hiến pháp thì việc Đảng lãnh đạo tuyệt đối là điều không thể khác. Thực chất là như vậy thì tại sao không kết hợp luôn cho gọn nhẹ và đỡ hình thức.

      Xóa
  4. Cảm ơn cụ đã cho biết về những cải tiến trong lề lối làm việc của QH và 1 trong những người có đóng góp đáng kể là anh Vũ mão - người bạn cùng K5 LSQL, đó là điều lớp ta đáng tự hào. Mong sao QH còn tiếp tục có nhiều cải tiến nữa để góp phần lãnh đạo đưa đất nước tiến lên.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bài trước nói về kỷ nguyên internet đã có nói về những đóng góp của anh Chu Hảo, bài này nói về hoạt động của QH lại có những đóng góp của anh Vũ Mão, những người bạn QL của chúng ta . Nói về lĩnh vực ngoại giao chắc sẽ có những đóng góp của TH. Bạn bè QL chúng ta có rất nhiều cống hiến đáng tự hào.

      Xóa
  5. Cảm ơn bạn bài viết rất hay. Mình làm bên thẩm mỹ nếu bạn có tìm hiểu về kỹ thuật nâng chân mày thì có thể liên hệ với mình

    Trả lờiXóa