Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

Tôi và các anh khối lớp 5

028. TRẦN KHÁNG CHIẾN- BÀI CHON ĐĂNG SÁCH.
Tôi và các anh khối lớp 5


                                                                         
 Trần Kháng Chiến 
                                                                         ( Cựu HS Vỡ lòng A )


   Tôi đến trường Thiếu nhi Việt Nam nhập học vào một ngày mùa hè năm 1954, khi 8 tuổi. Do tôi chưa biết đọc biết viết quốc ngữ nên tôi được bố trí vào học lớp vỡ lòng A, có nghĩa là dưới lớp tôi còn một lớp nhỏ hơn.
 
   Cuối 1954 trường Lục quân Việt Nam chuyển đến Quế Lâm. Nhiều học sinh trường ta có người thân tại trường Lục quân được đón ra chơi, có khi còn được phép ở lại trường mấy ngày. Tôi là một trong số những người như thế, vì vậy tôi có dịp được làm quen và sau này trở nên thân thiết với các anh cùng hoàn cảnh nhưng lớn tuổi hơn tôi, học Lớp 5, như các anh Nguyễn Nguyên Hân, Trần Công Bình, Nguyễn Đỗ Bảo.
 
   Một hôm, qua câu chuyện, tình cờ anh Đỗ Long ( Lớp 5 ) kể cho tôi nghe câu chuyện cha tôi thời kỳ hoạt động bí mật ở Phú Thọ, đã từng ở nhà anh. Thế là tôi lại có thêm một người anh nữa ở Lớp 5. Sống xa gia đình, bọn học sinh vỡ lòng chúng tôi rất hãnh diện có các anh lớn quan tâm. Đó cũng là niềm an ủi rất lớn về tinh thần. Mà quả thật các anh Lớp 5 có rất nhiều điều khiến chúng tôi ngưỡng mộ. Thí dụ các anh chơi violon giỏi, bóng rổ, bóng đá, bóng chuyền cừ. Mấy đứa con trai vỡ lòng chúng tôi thầm mong sao mình lớn lên cũng to khoẻ và giỏi giang như các anh Lớp 5 !
 

   Tôi còn nhớ có lần đón các học sinh Trường ta ra chơi thăm  cán bộ, học viên trường Lục quân Việt Nam, nhà trường đã tổ chức một tối văn nghệ cho các em xem, trong đó có diễn vở kịch Liên Xô “ Tiền tuyến ”. Vở kịch này được các anh Thế Hùng, Nguyên Hân, Đỗ Bảo... “nhập tâm”. Sau này về trường các anh đã soạn lại thành kịch bản (theo trí nhớ) để dàn dựng cho Lớp 5B vở kịch “Tiền Tuyến” mới, trong đó có thêm đoạn “phịa” mà anh Quang Trung đã kể lại trong tập hồi ký  “ Rừng quế nở hoa “ và Lư Sơn-Quế Lâm một thời để nhớ” . Tôi cũng không quên, để vở kịch hòanh tráng, các anh đã mượn áo đại cán của các thầy, lấy bìa cácton, giấy màu cắt dán làm lon (sau này chúng ta gọi là quân hàm), huân chương, dựng thành các bộ quân phục của các sỹ quan Hồng quân Liên xô. Các anh tập ở đâu chúng tôi cũng phát hiện ra rồi kéo nhau xem ké ! Hôm “công diễn” trên sân khấu Đại lễ đường chúng tôi reo ầm lên khi thấy các anh Thế Hùng, Nguyên Hân, Đỗ Bảo oai phong lẫm liệt trong các vai đại tướng, trung tướng Hồng quân. Nói theo ngôn ngữ thông tấn ngày nay thì : Vở kịch đã được công diễn trên sân khấu Đại lễ đường trong sự thán phục của tòan thề giáo viên, học sinh trường Quế Lâm dục tài học hiệu !

   Lại cũng do hay đến chơi với các anh Nguyên Hân, Đỗ Long, Công Bình tôi được biết thêm tài vẽ tranh của anh Xuân Diễn. Đặc biệt anh Diễn vẽ chân dung rất tài tình, tôi đã được anh vẽ cho 1 bức, nhìn vừa giống vừa sinh động “cực kỳ” !  Anh Đỗ Bảo cũng vẽ giỏi không kém. Tôi có lần đã được xem anh Bảo vẽ bức tranh “Bộ đội với nhân dân” bằng màu nước. Còn anh Trần Lương thì khiến chúng tôi vô cùng thán phục bởi các công trình sáng tạo đồ chơi của anh, thí dụ anh “chế tạo” được cả máy chiếu phim quay tay “tạch tạch tạch". Hình chiếu lên tường chuyển động lật đật rất nhộn ! Chưa hết . Chính các anh làm cho tôi biết đến các nhân vật Chí Phèo, Thị Nở ( Truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao). Cũng là lần đầu tiên tại phòng ngủ của các anh lớp 5 tôi nhìn thấy các mẫu tự chữ Nga, sách giáo khoa tiếng Nga qua các ấn phẩm do gia đình các anh gửi từ Việt Nam sang cho các anh tự học. Dù các anh lúc đó còn là đội viên thiếu nhi Tháng Tám nhưng các anh đã biết rất nhiều thứ. Chẳng hạn có anh dành tiền tiêu vặt gửi mua violon rồi kiên trì luyện tập, chơi thành bài bản rất hay, góp phần làm phong phú thêm cuộc sống tinh thần khi xa tổ quốc, xa gia đình. Lại có anh dành tiền mua bộ đài thu Galen để nghe Đài Tiếng nói Việt Nam ngay trong phòng ngủ. Lũ trẻ vỡ lòng chúng tôi luôn nhìn các anh bằng con mắt thán phục, ngưỡng mộ... Hồi tưởng lại những năm tháng ấy tôi nhận thấy các anh lớp 5 tuổi mới 13 -14 mà tài thật. Bằng chứng là trong số các anh sau này có nhiều người đã trở thành những nhà khoa học thực sự có tài.

   Năm 1965 tôi vào bộ đội, về học tại trường sỹ quan Hải quân. Có 1 lần tôi được nghe phó chính ủy Vũ Khổng Tước giảng bài về công tác Đảng trong quân đội.Trong giờ giải lao phó chính ủy tâm sự: ông có người con trai, giỏi văn, từng là lính thủy đang làm việc ở Đài Tiếng Nói Việt Nam. Theo ông anh chàng này luôn có những suy nghĩ mới lạ, táo bạo, đôi khi khác với suy nghĩ của cấp trên. Ông tự hào về anh con trai, nhưng cũng không khỏi lo lắng về tính cách “khác người” này ! Tại trường Sỹ quan Hải Quân còn có anh Trịnh Huy Châu, giáo viên, vốn là học sinh Lớp 5 của trường Thiếu nhi Việt Nam Quế Lâm , anh Châu cho tôi biết con của thủ trưởng Tước tên là Vũ Quang Trung, học cùng lớp với anh. Mãi những năm 90 thế kỷ 20, khi vào sống tại thành phố Hồ Chí Minh tôi mới gặp và biết mặt anh Quang Trung, khi ấy anh vừa hoàn thành nhiệm vụ trưởng đoàn phóng viên thường trú của Uỷ ban PT-TH VN tại Campuchia về nước, thành lập cơ quan thường trú THVN tại Tp.HCM . Hai anh em nhận ra nhau. Thì ra đã có một thời bố anh Quang Trung cũng làm giáo viên trường Võ bị Trần Quốc Tuấn ở Phúc Trừu, Thái Nguyên (Khi ấy cha tôi làm Phó Giám đốc, Chính uỷ nhà trường). Sau ông vào chiến trường Liên khu 5 Nam Trung Bộ, năm 1955 tập kết ra Bắc rồi tham gia thành lập Cục phòng thủ bờ biển ( tiền thân của Hải quân nhân dân Việt Nam bây giờ ). Tôi và anh Quang Trung càng có lý do thân thiết với nhau hơn.
 
   Năm 1967 tôi được quân đội cử đi học ở Liên xô. Tôi học tại thành phố Odetxa, tại đây tôi lại gặp anh Nguyễn Khinh sang thực tập về xây dựng công trình. Anh em Quế Lâm gặp nhau ở xứ người , là một kỷ niệm đẹp trong đời tôi .

                                                                                   
 Trần Kháng Chiến


2 nhận xét:

  1. Cảm ơn cụ Kỳ Gai đã sửa lỗi chính tả cho chú em " Vỡ Lòng " !

    Trả lờiXóa
  2. Anh ( bạn? ) Kháng Chiến vỡ lòng mà "thuộc"và nhớ nhiều kỷ niệm quá! Bái phục! bái phục!!!

    Trả lờiXóa