( Trích sưu tầm)
Tác giả: Lê Hồng Hiệp
Xu hướng địa chính trị khu vực
Một xu hướng địa chính trị khu vực đang ngày càng trở nên nổi trội, đó
chính là việc Mỹ cùng các đồng minh ngày càng bất an trước sự trỗi dậy của
Trung Quốc và việc nước này công khai thách thức trật tự khu vực, nhất là vị
thế siêu cường dẫn đầu của Mỹ. Xu hướng này khiến cho khu vực nhiều khả năng sẽ
bước vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới trong vòng khoảng 20 năm tới.
Về mặt lý thuyết, nếu Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy và thách thức Mỹ, mâu
thuẫn và xung đột giữa hai cường quốc là không thể tránh khỏi. Trái với thuyết
“cân bằng quyền lực” (balance of power theory) cho rằng hệ thống quốc tế sẽ ổn
định và hòa bình khi đạt được sự cân bằng giữa các trung tâm quyền lực chính,
thuyết “chuyển giao quyền lực” (power transition theory) cho rằng một khi một
cường quốc đang lên tiệm cận sức mạnh của cường quốc thống trị và khao khát
giành vị thế bá chủ của cường quốc đó thì xung đột giữa hai bên là không thể
tránh khỏi. Chỉ sau khi cường quốc đang lên bị kiềm chế hoặc đánh bại (giữ vững
nguyên trạng) hoặc cường quốc bá chủ bị lật đổ (thiết lập nguyên trạng mới) thì
hệ thống quốc tế mới lại đạt được thế cân bằng và ổn định. Quy luật này đã được
chứng minh nhiều lần trong lịch sử, và sẽ tiếp tục là logic trường tồn của
chính trị hiện thực trong quan hệ quốc tế.
Về mặt thực tế, hiện nay cục diện địa chính trị khu vực đang dần đi theo
hướng dự báo của thuyết “chuyển giao quyền lực”. Cụ thể, trong khi Trung Quốc
(cường quốc đang lên) tìm cách mở rộng ảnh hưởng, tranh giành quyền lực với Mỹ
(cường quốc thống trị), thì Mỹ đang âm thầm cố gắng tìm cách kiềm chế Trung
Quốc, thông qua các chiến lược tiêu biểu như “tái cân bằng” quân sự sang tây
Thái Bình Dương, đàm phán Hiệp định TPP với các nước trong khu vực mà không có
sự tham gia của Trung Quốc; cải thiện và thắt chặt quan hệ với các nước đồng
minh và đối tác, nhất là các nước láng giềng Trung Quốc; sử dụng các công cụ
như luật pháp quốc tế và các thể chế quốc tế để kiềm chế và điều chỉnh hành vi
của Bắc Kinh….
Hiện nay, giới chức Mỹ vẫn đang cố gắng thận trọng, tránh “tư duy Chiến
tranh lạnh”, trong khi cố gắng can dự với Trung Quốc để xây dựng lòng tin, giảm
căng thẳng. Tuy nhiên đây không phải là xu hướng lâu dài mà chỉ là ngắn hạn.
Trước mắt Mỹ chưa sẵn lòng mạnh tay kiềm chế Trung Quốc như từng kiềm chế Liên
Xô trước đây bởi quan hệ tốt với Trung Quốc đang mang lại cho Mỹ nhiều lợi ích,
đồng thời Mỹ cần thêm thời gian để đánh giá xu hướng hành vi của Trung Quốc khi
hiện nay Bắc Kinh dù có biểu hiện hung hăng và thách thức lợi ích của Mỹ nhưng
sự thách thức đó chưa đủ lớn để đe dọa các lợi ích sống còn, nhất là vị thế bá
chủ của Mỹ.
Vì vậy trong tương lai, mức độ kiềm chế của Mỹ và đồng minh đối với
Trung Quốc sẽ biến chuyển tùy theo mức độ hung hăng và thách thức mà Trung Quốc
theo đuổi trong chính sách đối ngoại của mình. Ngoài ra, về phía Mỹ, nếu trong
cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 một ứng cử viên Cộng hòa đắc cử thì nhiều khả
năng Mỹ sẽ có một chính sách đối ngoại cứng rắn hơn, nhất là trong quan hệ với
Trung Quốc.
Mặc dù có một khả năng là Trung Quốc do các vấn đề trong nước sẽ bị
chững lại, thậm chí rối loại và suy yếu, không thể đủ sức “trỗi dậy” mãi mãi đủ
để đe dọa vị thế của Mỹ, nhưng khả năng cao hơn là Trung Quốc sẽ tiếp tục vươn
lên, dù chậm dù nhanh, để làm cho Mỹ và đồng minh cảm thấy bất an, lo sợ. Khi
đó, một cuộc Chiến tranh lạnh Mới ở khu vực, như đã nói trên, là khó có thể
tránh khỏi. Cuộc Chiến tranh lạnh Mới giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khác với cuộc
Chiến tranh lạnh thế kỷ 20 giữa Mỹ và Liên Xô ở 4 điểm chính:
§
Chiến lược chứ không phải ý thức hệ: Cuộc cạnh
tranh giữa Mỹ và Trung Quốc chủ yếu tập trung vào yếu tố lợi ích chiến lược chứ
không phải ý thức hệ. Việc tập hợp lực lượng của hai bên sẽ dựa vào điểm đồng
về lợi ích chiến lược chứ không phải ý thức hệ. Đây là đặc điểm chi phối 3 đặc
điểm còn lại.
§
Ở cấp độ khu vực chứ không phải toàn cầu: Cuộc Chiến
tranh lạnh này sẽ tập trung chủ yếu tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương mà ít
có khả năng lan rộng ra toàn cầu bởi Trung Quốc không có một hệ thống đồng minh
rộng lớn và lợi ích của Mỹ và Trung Quốc không mâu thuẫn lớn ở các khu vực
khác.
§
Không phải giữa 2 khối nước cứng nhắc: Khác với
Chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô khi hai bên dẫn đầu hai khối nước trải khắp
5 châu thì trong Chiến tranh lạnh mới sự đối đầu tập trung chủ yếu vào quan hệ
giữa Trung Quốc và Mỹ. Nga, như đã nói ở trên, ít có khả năng tham gia cùng
Trung Quốc thành một khối chiến lược để đối đầu với Mỹ và đồng minh.
§
Vai trò của tương thuộc kinh tế: Khác với Chiến
tranh lạnh thế kỷ 20, trong cuộc Chiến tranh lạnh mới, sự tương thuộc kinh tế
giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ giúp kiềm chế bớt hành vi của hai bên, giúp hai bên dễ
đối thoại với nhau để giải quyết bất đồng. Tuy nhiên do lợi ích địa chính trị
được coi trọng hơn lợi ích kinh tế nên sự tương thuộc kinh tế sẽ không đủ ngăn
cản Chiến tranh lạnh mới diễn ra. Viễn cảnh khả dĩ nhất là “kinh tế nóng, chính
trị lạnh” giữa các cường quốc.
Vậy xu hướng địa chính trị khu vực này sẽ tác động như thế nào tới Việt
Nam, và Việt Nam cần phải ứng phó ra sao?
Lựa chọn chiến lược của Việt Nam
“Lời nguyền địa lý” khiến Việt Nam luôn phải đối
diện với những thách thức trong xử lý quan hệ với Trung Quốc. Trước một Trung
Quốc lớn mạnh hơn nhiều lần, chiến lược Trung Quốc truyền thống của Việt Nam là
ngoại giao hòa hiếu, trong đế ngoài vương, nhún nhường với Trung Quốc trong khả
năng cho phép để giữ hòa bình và độc lập.
Nếu không có tranh chấp Biển Đông thì Việt Nam hiện nay sẽ có điều kiện
thuận lợi hơn nhiều để duy trì một chính sách hòa hiếu cùng mối quan hệ ổn
định, tương kính với Trung Quốc. Thế nhưng, với việc Trung Quốc ngày càng thực
hiện các chính sách hung hăng và cưỡng ép, mà sự kiện Giàn khoan 981 là ví dụ
điển hình, việc duy trì một chính sách ngoại giao hòa hiếu truyền thống như vậy
với Trung Quốc đang ngày càng khó khăn, thậm chí phản tác dụng.
Chính sách của Việt Nam đối với Trung Quốc hiện đối mặt với hai lựa chọn
căn bản: ưu tiên quan hệ hữu hảo với Trung Quốc hay ưu tiên chủ quyền quốc gia
và toàn vẹn lãnh thổ?
Trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, lựa chọn này luôn được đặt ra cho
các nhà cầm quyền Việt Nam, và câu trả lời luôn rõ ràng: Chủ quyền quốc gia và
toàn vẹn lãnh thổ là lợi ích quốc gia tối thượng. Đã có những lúc Việt Nam tỏ
ra hòa hiếu, nhún nhường với Trung Quốc, nhưng đó là khi Trung Quốc không trực
tiếp đe dọa chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, hoặc sau khi
Việt Nam đã đánh bại các cuộc xâm lược của các đội quân phương Bắc (ví dụ, Lê
Lợi cấp thuyền và ngựa cho lính nhà Minh rút quân về nước, Nguyễn Huệ cho chôn
cất tử tế lính nhà Thanh tử trận, gửi sứ thần sang nhận sắc phong và “tạ tội”
với hoàng đế nhà Thanh…). Chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam lại nhún nhường,
mềm yếu trước Trung Quốc khi Trung Quốc tìm cách xâm lược hoặc cưỡng ép, đe
dọa… Việt Nam.
Hiện nay, đương nhiên chúng ta vẫn luôn coi chủ quyền quốc gia và toàn
vẹn lãnh thổ là lợi ích tối thượng. Vấn đề đặt ra là chúng ta cần xác định
Trung Quốc đang đe dọa Việt Nam đến mức nào để quyết định nên hòa hiếu, nhún
nhường, hay cứng rắn với Trung Quốc. Nếu mối đe dọa Trung Quốc chưa lớn mà
chúng ta quá cứng rắn thì sẽ gây căng thẳng không cần thiết, ngược lại nếu mối
đe dọa lớn mà chúng ta nhún nhường, mềm yếu sẽ càng khuyến khích Trung Quốc lấn
tới, làm phương hại lợi ích quốc gia.
Trong thời gian qua, xu hướng mối đe dọa từ Trung Quốc đang gia tăng là
rõ ràng. Đặc biệt trong vấn đề Biển Đông, một loạt các hành động của Trung Quốc
từ năm 2007 đến nay càng cho thấy rõ tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung
Quốc. Các hành động như cắt cáp tàu Bình Minh 02, đưa giàn khoan 981 cùng lực
lượng hộ tống hùng hổ vào vùng biển Việt Nam, xây dựng và mở rộng đảo nhân tạo…
cho thấy cường độ hung hăng của Trung Quốc ngày càng tăng, và chủ quyền quốc
gia và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trên Biển Đông đang bị đe dọa hơn bao giờ
hết.
Trong tương lai gần, việc Trung Quốc đưa các giàn khoan xuống Trường Sa
và bãi Tư Chính, thiết lập ADIZ trên Biển Đông, tăng cường quân sự hóa các điểm
chiếm đóng, thậm chí tìm cách khống chế các tuyến đường biển của Việt Nam hay
xâm lược các đảo của Việt Nam đang nắm giữ… là những khả năng không thể bị loại
bỏ, nếu không muốn nói đó chỉ là vấn đề thời gian.
Trong bối cảnh đó, ngoài việc nâng cao nội lực về kinh tế, quốc phòng,
xây dựng sự đoàn kết và đồng thuận trong cũng như ngoài nước, Việt Nam cần
tranh thủ tận dụng các diễn biến địa chính trị khu vực để nâng cao vị thế chiến
lược của mình, góp phần kiềm chế tham vọng của Trung Quốc. Đặc biệt việc mâu
thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc đang dần gia tăng đang tạo cơ hội cho Việt Nam tăng
cường quan hệ với Mỹ và các nước đồng minh và đối tác của Mỹ, nhất là những
nước có chung nhận thức về mối đe dọa và lợi ích trên Biển Đông.
Vì vậy, như tác giả bài viết từng đề xuất, trong khi vẫn duy
trì nguyên tắc “ba không” trên danh nghĩa, Việt Nam cần từng bước thắt chặt
quan hệ chiến lược – an ninh với các quốc gia chủ chốt trong khu vực dưới dạng
các “liên minh” mềm, không chính thức, đặc biệt là với Hoa Kỳ và Nhật Bản, để
có thể nâng cao vị thế chiến lược của mình trong quan hệ với Trung Quốc, nhất
là trên hồ sơ Biển Đông.
Như đã lập luận trước đây, tranh chấp Biển Đông hiện tại gồm
ba tầng nấc, với tầng nấc ngoài cùng đang trở nên ngày càng quan trọng là sự
cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Điều này biến Biển Đông trở thành
một trong những “chiến trường” cho sự đối đầu giữa hai cường quốc. Một câu hỏi
đặt ra là trong bối cảnh đó, Việt Nam có nên can dự vào cuộc đối đầu này để rồi
trở thành “nạn nhân” của một cuộc đấu đá giữa các cường quốc hay không?
Một điều chúng ta phải chấp nhận đối mặt là với vị trí địa lý của mình,
đặc biệt là do sự tham gia của chúng ta vào tranh chấp Biển Đông với các lợi
ích đan xen, chồng chéo, chúng ta không thể và không nên đứng ngoài các diễn
biến địa chính trị khu vực. Nói cách khác, làm sao để Việt Nam không bị ảnh
hưởng bởi cuộc đối đầu đang tăng cường giữa Mỹ và Trung Quốc là một nhiệm vụ
bất khả thi. Điều chúng ta có thể làm chỉ là làm sao hạn chế được tối đa các
tác động tiêu cực của cuộc đối đầu này lên chúng ta mà thôi.
Để làm được điều này, không có cách nào khả dĩ hơn việc chúng ta chủ
động can dự vào các diễn biến địa chính trị khu vực, góp phần định hình các
diễn biến đó (nếu có thể), hoặc ít nhất nắm bắt được các thông tin, diễn biến,
can dự vào ý đồ của các cường quốc để không phải trở thành kẻ ngoài lề, bị động
đối phó, và rốt cuộc sẽ trở thành “nạn nhân” bị đem ra mặc cả trong ván cờ giữa
các nước lớn như đã từng xảy ra trong lịch sử.
Hiện tại, trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam có hai vũ khí quan trọng có
thể khiến Trung Quốc e sợ, đó là các lựa chọn pháp lý và việc theo đuổi chính
trị liên minh. Tuy nhiên, trong khi phát súng pháp lý chưa thật sự sẵn sàng và
một khi bắn ra sẽ không thể thu hồi lại, thì theo đuổi chính trị liên minh là
một biện pháp linh hoạt và hiệu quả hơn mà Việt Nam có thể thực hiện để răn đe
Trung Quốc.
Thứ nhất, biện pháp này đánh vào tâm lý sợ bị bao vây, “ngăn chặn” của
Trung Quốc. Trung Quốc sẽ không bao giờ muốn Việt Nam ngã vào tay một cường
quốc đối địch, vì vậy nếu Việt Nam dịch chuyển theo hướng chính trị liên minh
thì Trung Quốc sẽ phải cân nhắc trong hành động để không đẩy Việt Nam ra quá
xa.
Thứ hai, chính trị liên minh không phải là một con đường một chiều. Cách
dễ nhất để hình dung chính trị liên minh là một đường trục với hai thái cực đối
diện, một thái cực (-1) là phù thịnh (bandwagoning), đi theo đối thủ, và thái
cực còn lại (+1) là tham gia liên minh quân sự để cân bằng (balancing) lại đối
thủ. Trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam lý tưởng nhất là ở vị trí cân bằng
(0), tuy nhiên tùy theo diễn biến quan hệ song phương và bối cảnh khu vực,
chúng ta có thể điều chỉnh vị trí của mình trong khoảng từ -1 đến +1 cho phù
hợp. Ví dụ, nếu Trung Quốc hung hăng, hiếu chiến, Việt Nam có thể điều chỉnh
dần sang vị trí +1, nhưng nếu Trung Quốc ôn hòa, xuống nước, Việt Nam có
thể điều chỉnh dần về vị trí số 0. Như vậy chúng ta không nên lo sợ phá vỡ quan
hệ với Trung Quốc vì chúng ta có thể điều chỉnh tùy theo tình hình. Điều chúng
ta phải lo sợ hơn là mất lãnh thổ, thứ một khi đã rơi vào tay người khác sẽ khó
có thể đòi lại được.
Thứ ba, do có sự linh hoạt như trên, nên Việt Nam nếu khéo léo có thể
điều chỉnh từng bước đi trong chính trị liên minh để đáp lại các hành động của
Trung Quốc. Trước mắt, nếu Trung Quốc tiếp tục đưa giàn khoan vào vùng biển
Việt Nam, chúng ta có thể áp dụng lại chiến thuật như vừa qua, kiềm chế và kiên
nhẫn đấu tranh để Trung Quốc rút, phục hồi nguyên trạng. Tuy nhiên nếu Trung
Quốc lặp đi lặp lại hoặc leo thang, ví dụ không rút giàn khoan, đưa giàn khoan
xuống khu vực Trường Sa/ Tư Chính, thiết lập ADIZ trên Biển Đông, hay thậm chí
xâm lược các vị trí Việt Nam đang nắm giữ, thì Việt Nam cần ứng phó ra sao?
Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần phải có các bước chuẩn bị để khi Trung Quốc đi
một nước cờ thì Việt Nam có thể đi được một nước tương ứng để đáp lại, tránh
tình trạng Trung Quốc leo thang nhưng Việt Nam chỉ có một bài để đấu tranh. Với
các nấc thang khác nhau như đã kể trên, chính trị liên minh giúp Việt Nam dự
liệu trước các quân bài khác nhau để đối phó với Trung Quốc, bên cạnh chuyện
đấu tranh trên thực địa.
Như vậy, trước bối cảnh Trung Quốc ngày càng có các hành động hung hăng
mang tính cưỡng bức trên Biển Đông, Việt Nam cần tận dụng các biến đổi
địa chính trị khu vực để giành thế chiến lược có lợi cho mình. Trước mắt, Việt
Nam cần thực hiện một số các biện pháp như cảnh báo Trung Quốc về hậu quả chiến
lược nếu tiếp tục có cách hành động cưỡng bức hoặc leo thang tranh chấp;
làm việc cùng các quốc gia đối tác quan trọng (đặc biệt là Mỹ, Nhật, Ấn Độ,
Philippines) để lập kế hoạch tăng cường các mối quan hệ song phương, nhất là
trong lĩnh vực an ninh – quốc phòng, đồng thời lập kế hoạch các bước đi và nấc
thang tiếp theo mà Việt Nam cần thực hiện để đáp lại các hành động gây hấn mới
hoặc leo thang tranh chấp trên Biển Đông của Trung Quốc.
Tóm lại, Việt Nam chỉ có thể hòa hiếu với Trung Quốc nếu Trung Quốc tôn
trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Nếu Trung Quốc dùng
bạo quyền để cưỡng bức thì chúng ta không thể mềm yếu để rồi mãi mãi đánh mất
chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ vì một thứ “hữu nghị viễn vông”.
Trong khi tìm mọi cách cố gắng duy trì quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp
tác và tương kính với Trung Quốc, chúng ta cũng nên sẵn sàng theo đuổi các mối
quan hệ liên minh với các đối tác ở các lĩnh vực và mức độ khác nhau để đối phó
với các mối đe dọa trên Biển Đông. Theo nghĩa đó, liên minh không nên được hiểu
là đi với nước này để chống nước kia, mà là đi với nước nào để chúng ta có thể
bảo vệ được tốt nhất lợi ích quốc gia của mình.
Lê Hồng Hiệp, vừa hoàn thành chương trình nghiên
cứu sinh tiến sĩ tại Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia,
Canberra, là giảng viên tại Khoa Quan hệ quốc tế, Đại học KHXH&NV TPHCM, và
là biên tập viên sáng lập và điều hành trang mạng Nghiencuuquocte.net.
Một entry hay. Cám ơn anh Kỳ ạ.
Trả lờiXóaLập luận của tác giả sáng sủa, rất logich, giống như một bản luận văn được viết trong nhà trường. Vì vậy nó đơn giản hóa quá nhiều các điều kiện thực tế. Chẳng hạn như việc lựa chọn giữa chủ quyền QG và sự hòa hiếu với đối phương hiện nay liệu có giống như ông cha ta đã làm trước đây hay không thì chưa thể khẳng định được; hay về yếu tố ý thức hệ, liệu đã hoàn toàn không tồn tại hay không?...Cho nên bài viêt này là để đọc cho biết chư chưa thể dùng để tham khảo.
Trả lờiXóa