Thứ Tư, 2 tháng 9, 2015

Ai là tác giả của những thước phim lịch sử về ngày 2-9-1945 tại quảng trường Ba Đình


Trước năm 1975, chúng ta chỉ có ảnh về ngày 2 tháng 9 năm 1945.
Năm 1975, đạo diễn Phạm Kỳ Nam sang Pháp để thực hiện quay bộ phim "Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh". Khi ông đang ở Paris, bất ngờ nhận được một hộp bọc kín, người gửi chỉ nhờ lễ tân khách sạn nhắn với đạo diễn Phạm Kỳ Nam rằng "đây là quà tặng do một người bạn của Việt Nam chuyển đến" và không cho biết tên[3].
Khi mở ra, đạo diễn Phạm Kỳ Nam rất ngạc nhiên khi nhận ra món quà đó là những thước phim 16 ly ghi lại hình ảnh đen trắng trọn vẹn ngày lễ Tuyên bố Độc lập tại quảng trường Ba Đình[2].
Những đoạn phim đã được đạo diễn Phạm Kỳ Nam ráp nối lại thành một bộ phim tài liệu dài khoảng 30 phút[4] và được đặt tên Ngày Độc lập 2/9/1945[1]. Nội dung phim quay lại cảnh quảng trường Ba Đình vào ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945, với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọcbản Tuyên ngôn Độc lập trước đông đảo người dân. Bộ phim được chiếu rộng rãi trên truyền hình quốc gia, được nhiều người biết đến và xem lại nhất là vào dịp quốc khánh của Việt Nam[1].

Tìm kiếm tác giả
Theo ông Nguyễn Hữu Đang, người được Hồ Chí Minh giao trách nhiệm làm Trưởng ban tổ chức Lễ Tuyên bố Độc lập[4], thì có 2 giả thiết về tác giả của những thước phim
Hương Ký
Ông Hương Ký (tên thật là Nguyễn Lan Hương) - chủ một hiệu ảnh nổi tiếng tại Hà Nội thời đó, chuyên làm những dịch vụ về quay phim tư liệu. Theo yêu cầu của ông Nguyễn Hữu Đang, ông Hương Ký và 2 nhân viên đã thực hiện việc quay buổi lễ. Nhưng sau buổi lễ, ông Hương Ký thông báo không quay được vì sự cố máy móc. Ông Nguyễn Hữu Đang sau này có viết về sự cố này với thái độ hoài nghi vì chỉ một thời gian sau đó, ông Đang phát hiện ra chủ hiệu Hương Ký đã đi theo Quốc dân đảng chống lại Việt Minh[5].
Có một số căn cứ để giả thiết những thước phim này là do hiệu Hương Ký quay[4]. Rõ nhất là dựa vào một tấm ảnh do ông David Marr, nhà nghiên cứu sử học Úc gốc Mỹ, cung cấp và theo ông bức ảnh cũng do người Mỹ chụp[6]. Tấm ảnh này có góc chụp từ dưới hướng lên lễ đài, hình Chủ tịch Hồ Chí Minh đang đọc Tuyên ngôn Độc lập, đứng bên phải ông có một người cầm ô và chi tiết cần chú ý là phía bên trái có một người cầm máy quay phim hướng ống kính về phía ông Hồ. Thể hiện này ứng với đoạn phim quay cảnh Hồ Chí Minh đang đọc Tuyên ngôn nhìn nghiêng[7].
Phái bộ tiền trạm OSS
Phái bộ tiền trạm OSS (Office of Strategic Services - Cơ quan phục vụ chiến lược Mỹ), bí danh Con Nai - "The Deer" do Thiếu tá Archimedes Patti, nguyên trưởng phái đoàn Mỹ đến Hà Nội dưới danh nghĩa Đồng minh][6]. Theo như hồi ký của Thiếu tá Archimedes L.A. Patti, ông đã tường thuật cuộc mít-tinh vào ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình với nhiều chi tiết mà cho tới nay, sách báo Việt Nam chưa từng nhắc đến. Ông đã mô tả chính xác công việc ông và một số nhân viên chứng kiến buổi lễ, đi lại trong khu vực mít-tinh để chụp ảnh và quay phim.
Sự miêu tả này của Thiếu tá Patti đã khiến ông Nguyễn Hữu Đang, người chịu trách nhiệm chính điều hành buổi lễ và kiểm soát cuộc mít-tinh, cho rằng "bất ngờ vì ông cũng không biết có những hoạt động của người ngoại quốc ngay trước mắt mình".[5]
Theo một số chuyên gia, những thước phim trên được quay rất chuyên nghiệp và nhiều góc độ khác nhau chứng tỏ người quay phim đã di chuyển liên tục trong khi quay để quan sát rồi ghi lại chứ không phải chỉ cầm máy đứng yên một chỗ[7].

.

3 nhận xét:

  1. Ta có thể hiểu rằng những thước phim đó là do nhân viên nghiệp vụ của cơ quan "con nai" của Mỹ đã quay và tặng lại cho VN.
    Trình độ về mọi mặt, VN luôn đi sau họ mà !

    Trả lờiXóa
  2. Tôi cũng thiên về nhận định nhóm ConNai là những người đã thực hiện những thước phim lịch sử này. Họ đã giúp CMVN một cách nghĩa hiệp . Có lẽ phần quan trọng là những người Mỹ đã tin và kính trọng Hồ Chí Minh .Nhưng rồi thời thế đã khiến họ bỏ lỡ cơ hội ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi cho rằng không phải nhóm Con nai đã quay phim này. Vì họ không có lý do gì để dấu danh tinh của mình. Thậm chí sau này chính trưởng nhóm Con nai nguyên Thiếu tá Archimedes L.A. Patti đã viết hẳn một cuốn sách xung quanh vấn đề này nhan đề " Tại sao Việt Nam".
      Nhiều khả năng hơn là chủ tiệm Hương Ký, có thể ngay trong những ngày làm phim này ông đã có ý định ông đã có ý định bỏ trốn khỏi Việt Minh. Với ý đồ bỏ trốn ông không dám để lại một tác phẩm không có lợi cho ông khi sang phía bên kia.

      Xóa