VietnamDefence - Bài học
chiến tranh Trung-Ấn 1962. Sáu nguyên tắc căn bản mà quân đội Trung Quốc đã áp
dụng trong cuộc xâm lược Ấn Độ năm 1962 cũng chính là những nguyên tắc mà họ sẽ
vận dụng trong tương lai.
Chúng
tôi giới thiệu với độc giả bài viết "Trung Quốc giao chiến như thế nào: Những
bài học của cuộc chiến tranh Trung-Ấn năm 1962" của Giáo sư Brahma Chellaney, đăng trên tạp chí Newsweek
của Mỹ.
Brahma Chellaney, Giáo sư phân tích chiến
lược của Trung tâm Nghiên cứu chính trị được tài trợ từ các nguồn tư nhân ở
Delhi, tác giả của các cuốn sách Asian Juggernaut do Nhà xuất bản Harper ấn
hành năm 2010 và Water: Asia’s New Battlefield do Nhà xuất bản Georgetown
University Press ấn hành năm 2011.
Năm
1962, Trung Quốc đã dạy cho Ấn Độ “một bài học” mà đến nay vẫn cần phải nghiên
cứu.
Mặc dù thế giới có thể không còn nhớ biến
cố xa xưa mà hôm nay chúng ta kỷ niệm, cuộc chiến tranh biên giới bị lãng quên
một nửa đã xảy ra 50 năm trước, hiện nay có vẻ như là một sự kiện rất thời sự
mà các bối cảnh của nó cần được nghiên cứu.
Ngày 20/10/1962, ngay trước bình minh,
quân đội Trung Quốc bất ngờ xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ. Các đơn vị quân đội Trung
Quốc giống như một sức mạnh không thể cưỡng lại đã triển khai tiến công và sau
khi vượt qua các khu vực phía đông và phía tây của dãy núi Hymalaya, đã tiến
sâu vào vùng phía đông bắc Ấn Độ.
Vào ngày thứ 32 của cuộc chiến, Bắc Kinh
bất ngờ tuyên bố ngừng bắn đơn phương, và chiến tranh kết thúc cũng bất ngờ như
như nó đã bắt đầu.
Mười ngày sau đó,
Trung Quốc bắt đầu rút quân khỏi miền đông Ấn Độ nằm giữa Bhutan và Myanmar,
nhưng họ vẫn chiếm giữ các vùng đất giành được ở phía tây, khu vực trước đây vốn
là một phần của công quốc Jammu và Kashmir. Ấn Độ phải chịu một thất bại hoàn
toàn và rất nhục nhã, còn uy tín quốc tế của Trung Quốc tăng mạnh.
` Hôm nay, một nửa thế kỷ sau cuộc chiến
Trung-Ấn, sự đối đầu địa-chính trị giữa hai gã khổng lồ về dân số lại trở nên
gay gắt, bởi vì lại có những bất đồng mới nảy sinh thêm vào những mâu thuẫn hiện
đã có. Sự phát triển bùng nổ của thương mại song phương cũng đã không thể dập tắt
tinh thần đối đầu và căng thẳng trong lĩnh vực quân sự, bên cạnh đó, Trung Quốc
đã tiêu phí phần lớn những thành quả chính trị giành được của chiến thắng cách
đây 50 năm.
Tuy nhiên, những hoàn
cảnh của cuộc chiến tranh xưa cũ đến nay vẫn không mất đi ý nghĩa của mình, bởi
vì chúng đang vượt ra ngoài khuôn khổ quan hệ song phương giữa hai nước. Cuộc
xung đột này đã làm bộc lộ những yếu tố then chốt của học thuyết chiến lược của
Bắc Kinh, do đó, không chỉ các quốc gia lãng giềng của Trung Quốc mà cả Bộ Quốc
phòng Mỹ cũng cần rút ra những bài học từ cuộc chiến tranh này.
Dưới đây, chúng ta sẽ
xem xét 6 nguyên tắc cơ bản mà quân đội Trung Quốc đã áp dụng trong cuộc xâm lược
Ấn Độ, và sẽ không có nghi ngờ nữa, chúng được vận dụng cả trong tương lai.
1. Bất ngờ. Trung Quốc đặc biệt coi trọng yếu tố bất ngờ cho phép làm
cho kẻ địch bị bất ngờ. Ý tưởng là ở chỗ làm cho kẻ thù bị bất ngờ về chính trị
và tâm lý để giành những chiến thắng nhanh chóng trên chiến trường. Chiến thuật
nhấn mạnh tính bất ngờ của cuộc tấn công này bắt nguồn từ quá khứ xa xưa. Hơn
2.000 năm trước, nhà lý luận quân sự Trung Quốc Tôn Tử đã nêu ra chiến thuật
này khi ông khẳng định rằng “sự lừa dối là cơ sở cho mọi phép dùng binh”. Còn
đây là những lời khuyên mà ông sẽ đưa ra cho các chiến lược gia: “Tấn công vào
nơi kẻ thù không phòng bị, khai chiến lúc kẻ thù không ngờ tới. Đây là những yếu
tố then chốt để giành thắng lợi”.
Thật vậy, người Trung
Quốc đã bắt đầu và kết thúc cuộc chiến tranh năm 1962, khi Ấn Độ ít ngờ tới nhất.
Họ cũng hành động y như vậy khi xâm lược Việt Nam vào năm 1979.
2. Tập trung toàn lực. Các tướng lĩnh Trung Quốc cho rằng, cần thực hiện các đòn
tấn công càng nhanh, càng mạnh càng tốt. Chính chiến thuật tác chiến này đã được
họ thể hiện khi tiến hành cuộc chiến tranh chớp nhoáng chống Ấn Độ vào năm
1962. Mục đích là áp đặt cho kẻ thù “những trận đánh có kết cục nhanh chóng”. Sự
tập trung như thế vào mục tiêu là điểm đặc trưng cho tất cả các chiến dịch quân
sự do nước Trung Hoa cộng sản tiến hành từ năm 1949.
3. Tấn công trước tiên. Bắc Kinh chưa bao giờ lưỡng lự sử dụng vũ lực để giải quyết
các nhiệm vụ chính trị. Ngược lại, Trung Quốc đã nhiều lần thể hiện là họ luôn
sẵn sàng để “dạy một bài học” cho đối phương để đối phương không dám thách thức
Bắc Kinh trong tương lai. Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã giải thích rằng,
cuộc chiến năm 1962 có mục đích “dạy Ấn Độ một bài học”. Đặng Tiểu Bình, người
đầu tiên trong các nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc đã đến thăm Mỹ, cũng đã sử
dụng từ ngữ tương tự vào năm 1979, khi ông ta tuyên bố với Tổng thống Mỹ Jimmy
Carter trong chuyến thăm Washington rằng,
“cần dạy Việt Nam một bài học như Ấn Độ”. Chỉ vài ngày sau, quân Trung Quốc đã
xâm lăng lãnh thổ của nước láng giềng. Điều trớ trêu là chính vào lúc đó, ngoại
trưởng Ấn Độ lại đang có mặt ở Bắc Kinh để cố gắng khôi phục quan hệ song
phương bị đóng băng từ năm 1962. Cuộc chiến kéo dài 29 ngày, sau đó Trung Quốc
đã ngừng chiến và rút quân khỏi Việt Nam, sau khi tuyên bố rằng, Hà Nội đã được đặt về đúng chỗ của mình.
4. Chờ đợi thời cơ. Người Trung Quốc cho rằng, cần phải chờ đến thời điểm
thích hợp. Chiến tranh năm 1962 là một ví dụ điển hình của chiến thuật này. Cuộc
tấn công của Trung Quốc diễn ra trùng về thời gian với cuộc khủng hoảng Caribe
vốn đã đặt thế giới bên bờ vực của ngày tận thế hạt nhân. Bối cảnh đó đã thu
hút sự chú ý của những nước có thể hỗ trợ Ấn Độ. Ngay khi Hoa Kỳ tỏ ý cuộc đối
đầu với Moskva đã kết thúc, Trung Quốc ngay lập tức tuyên bố ngừng bắn đơn
phương.
Trong thời gian diễn
ra chiến tranh Trung-Ấn, sự chú ý quốc tế đổ dồn vào cuộc xung đột Xô-Mỹ, chứ
không phải vào cuộc xâm lược Ấn Độ của Trung Quốc đi kèm với sự đổ máu, mặc dù
Delhi đã có quan hệ tốt đẹp với cả Mỹ và Liên Xô.
Thủ đoạn hành động
tương tự đã được Trung Quốc vận dụng cả về sau này. Sau khi Mỹ rút quân khỏi miền
Nam Việt Nam, Trung Quốc đã chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa.
Năm 1988, khi Việt Nam
đã mất đi sự ủng hộ của Moskva, còn cuộc chiến tranh của Liên Xô tại
Afghanistan đã điều trị tiệt nọc sự đam mê đối với các cuộc phiêu lưu quân sự ở
nước ngoài, Trung Quốc liền chiếm đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa.
Năm 1995, việc
Philippines lâm vào tình trạng không được bảo vệ sau khi họ buộc người Mỹ đóng
cửa các căn cứ quân sự ở vịnh Subic và các khu vực khác của quần đảo
Philippines, đã cho phép Trung Quốc giành lấy quyền kiểm soát đá Vành khăn (rạn
san hô Mischief).
5. Biện minh cho
các hành động của mình. Bắc Kinh thích ngụy
trang che đậy các hành động xâm lược của họ bằng cái gọi là mục đích tự vệ.
“Trong lịch sử các cuộc chiến tranh của Trung Quốc đương đại có thể tìm thấy
nhiều trường hợp, khi mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã gọi các cuộc tiến công
phủ đầu là các chiến dịch phòng vệ (tự vệ) chiến lược”, một báo cáo của Lầu Năm
góc đệ trình lên Quốc hội Mỹ năm 2010 viết.
Trong tài liệu này có
nhiều ví dụ về cách làm như vậy, trong đó có cuộc chiến tranh năm 1962, cuộc
xung đột năm 1969 (khi Trung Quốc khiêu khích các cuộc đụng độ biên giới với
Liên Xô), cuộc xâm lược Việt Nam năm 1979, và thậm chí cả biến cố năm 1950, khi
Trung Quốc can thiệp vào cuộc chiến tranh Triều Tiên.
Cuộc tấn công Ấn Độ
năm 1962 Bắc Kinh chính thức được gọi là “phản kích tự vệ” và thuật ngữ này
cũng được sử dụng để biện minh cho cuộc xâm lược Việt Nam, cũng như việc chiếm
giữ quần đảo Hoàng Sa, đá Gạc Ma và đá Vành khăn.
6. Sẵn sàng mạo hiểm. Các hành động mạo hiểm từ lâu đã là yếu tố không tách rời
của chiến lược quân sự Trung Quốc. Sự sẵn sàng cho những chiến dịch quân sự như
vậy của giới lãnh đạo Trung Quốc là rõ ràng đối với tất cả không chỉ ở thời Mao
Trạch Đông cầm quyền vốn đầy rẫy những đảo lộn phức tạp trong chính trị mà cả
khi một kẻ đầy thực dụng như Đặng Tiểu Bình quyết định xâm lược Việt Nam bất chấp
khả năng Liên Xô can thiệp. Hơn nữa, lần nào thì những hành động mạo hiểm cũng
xác đáng và mang lại các kết quả cần thiết. Những thắng lợi đạt được trong quá
khứ có thể tạo sự tự tin cho Bắc Kinh, thúc đẩy họ một lần nữa thử thách cơ hội
của mình, nhất là hiện nay, khi mà Trung Quốc có khả năng đánh trả hạt nhân và
có sức mạnh kinh tế và tiềm lực quân sự chưa từng có.
Cuộc chiến tranh năm
1962 diễn ra vào thời kỳ CHND Trung Hoa còn là một quốc gia nghèo đói, chưa có
vũ khí hạt nhân và bị đè nặng bởi những vấn đề nội bộ. Tuy nhiên, họ đã cho thế
giới thấy các tướng lĩnh Trung Quốc tư duy theo những tiêu chí nào và giúp ta
hiểu tại sao việc Trung Quốc hiện nay đang tăng cường tiềm lực quân sự của mình
với tiến độ nhanh lại không thể không gây ra những lo ngại lớn.
Nguồn: How China
Fights: Lessons From the 1962 Sino-Indian War / Brahma Chellaney // Newsweek
International, Vol.160, No.19, 2012, rus.ruvr, 30.10.2012.
Nước ta ở cạnh TQ ,đã nhiều lần bị TQ đánh ,thế mà các nhà lãnh đạo không chịu học các bài học trên ,chắc họ bận lo những việc khác mà ai cũng biết .
Trả lờiXóaNhững tổng kết và nhận định như thế này các nhà LĐ nhà nước và quân đội của ta đúng ra là phải tự rút ra từ lâu và có kế hoạch đề phòng để quân và dân luôn sẵn sàng đối mặt với kẻ thù khi chúng bất cứ lúc nào cũng có thể tấn công ta bất ngờ (từ biển, từ phía bắc, và từ ngay bên trong nước ta). Nhưng không hiểu các vị có làm được dù một phần nhỏ nào không? Trên thực tế toàn thấy tạo điều kiện tốt cho chúng thôi (rừng, mỏ, công trình, dự án, nhà máy, xí nghiệp.... đâu đâu cũng có mặt bọn chúng nhan nhản, nhiều khi là công nhân trá hình...). Thực đáng "quan ngại"!!!
Trả lờiXóa