1.Đại dịch Ebola khiến hơn 6.556 người chết
© Được Tuoi Tre cung cấp Hơn 4.000 trẻ em ở Tây Phi phải sống cảnh mồ côi sau khi cha mẹ qua đời vì Ebola và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do bị cộng đồng bỏ rơi - Ảnh: EPA
Dịch Ebola tại Tây Phi nhen nhóm từ tháng 12-2013 ở Guinea với nạn nhân đầu tiên là một cậu bé 2 tuổi. Người nhà của cậu bé lần lượt qua đời và virút Ebola âm thầm lan rộng. Đến tháng 3-2014, chính quyền Guinea lên tiếng báo động, virút Ebola lan tới Liberia, Sierra Leone.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bắt đầu bày tỏ sự lo ngại. Phương Tây chỉ thật sự chấn động khi virút Ebola lan tới Mỹ và Tây Ban Nha. WHO bị chỉ trích là phản ứng quá chậm chạp khiến dịch Ebola lan rộng.
Tính đến ngày 3-12, WHO xác định đã có 17.590 người bị nhiễm Ebola và 6.556 trường hợp thiệt mạng, chủ yếu ở Tây Phi. Tuy nhiên WHO cũng cảnh báo con số thực tế có thể cao gấp ba lần.
“Đại dịch Ebola tại Tây Phi là tình huống y tế khẩn cấp nghiêm trọng nhất trong thời kỳ hiện đại - WHO khẳng định như thế. Đến nay vẫn chưa có thuốc chữa căn bệnh nguy hiểm này.
2.Khủng hoảng Ukraine
© Được Tuoi Tre cung cấp Quân ly khai thân Nga cưỡi xe tăng tuần tra ở Donetsk - Ảnh: Reuters
Sau các cuộc biểu tình ở Kiev để phản đối chính phủ hủy thỏa thuận hợp tác với châu Âu, ngày 22-2 Quốc hội Ukraine bỏ phiếu phế truất tổng thống Viktor Yanukovich.
Ngày 26-2, Nga âm thầm đưa lực lượng quân sự tới giành quyền kiểm soát bán đảo Crimea và chính thức sáp nhập Crimea vào tháng 3. Phong trào ly khai thân Nga bùng lên tại hai vùng Donetsk và Luhansk ở miền đông Ukraine.
Tính đến giữa tháng 4, quân ly khai thân Nga đã kiểm soát hàng loạt thành phố tại miền đông Ukraine. Chính quyền Kiev triển khai lực lượng tấn công ly khai tại miền đông. Các cuộc chiến giằng dai và dữ dội nổ ra.
Đến ngày 5-9, Ukraine, Nga và phe ly khai đạt thỏa thuận ngừng bắn tại Minsk (Belarus).
Tuy nhiên từ đó đến nay tiếng súng vẫn liên tiếp vang lên ở miền đông Ukraine. Ước tính tổng cộng có 4.317 người đã thiệt mạng, 508.000 - 730.000 người Ukraine chạy sang Nga lánh nạn, hơn 466.000 người đi di tản bên trong lãnh thổ Ukraine.
Sau khi Nga sáp nhập Crimea và chiến tranh ở miền đông Ukraine bùng nổ, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Canada, Nhật… đồng loạt áp các biện pháp cấm vận kinh tế Nga. NATO thành lập lực lượng phản ứng nhanh ở châu Âu và tăng cường lực lượng quân sự tại các nước Balkan.
Chia rẽ Nga - phương Tây sâu sắc đến mức giới truyền thông cảnh báo một cuộc Chiến tranh lạnh mới đang diễn ra.
Do cấm vận của phương Tây và giá dầu giảm, nền kinh tế Nga rơi vào khủng hoảng. Giá đồng rúp sụt xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD, Bộ Tài chính Nga xác định GDP sẽ tăng trưởng âm vào năm 2015. Matxcơva ước tính thiệt hại do cấm vận và giá dầu lên tới 150 tỉ USD/năm.
3. Số phận bí ẩn của chuyến bay MH370
© Được Tuoi Tre cung cấp Có thể sẽ không bao giờ tìm thấy MH370 - Ảnh: npc.org.my
Ngày 8-3, chuyến bay MH370 của Hãng hàng không Malaysia Airlines từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh mất tích một cách bí ẩn. Tín hiệu máy bay biến mất trên màn hình rađa khi chiếc Boeing 777 chở 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn di chuyển trên bầu trời biển Đông.
Chiến dịch tìm kiếm quốc tế khởi đầu ở vịnh Thái Lan và biển Đông được mở rộng tới eo biển Malacca và biển Andaman.
Điều tra tín hiệu rađa cho thấy có khả năng máy bay bay tới Ấn Độ Dương. Cuộc tìm kiếm chuyển hướng sang khu vực phía nam Ấn Độ Dương trên một diện tích rộng tới 60.000km2. Tổng chi phí cho chiến dịch tìm kiếm lên đến hàng trăm triệu USD, thuộc vào loại đắt nhất trong lịch sử.
Tuy nhiên, đến nay các nước vẫn chưa phát hiện bất kỳ dấu vết nào của chuyến bay MH370. Nó trở thành bí ẩn lớn nhất trong lịch sử hàng không thế giới.
4. Thảm họa phà Sewol
© Được Tuoi Tre cung cấp Phà Sewol lật úp, chìm xuống biển - Ảnh: Korea Herald
Ngày 16-4, chiếc phà Sewol chìm ngoài khơi khi đi từ Incheon tới đảo Jeju ở Hàn Quốc. Lúc tai nạn xảy ra, trên phà có 478 người, phần lớn là học sinh Trường trung học Danwon tại thành phố Ansan. Tổng cộng 304 hành khách đã thiệt mạng. Thảm họa đã gây chấn động chính trị - xã hội lớn tại Hàn Quốc.
Thuyền trưởng và một số thủy thủ phà Sewol phải ra hầu tòa và lĩnh án tù vì tội vô trách nhiệm, chạy tháo thân bỏ mặc các hành khách chết đuối. Chính phủ giải tán lực lượng cảnh sát biển vì ứng cứu thiếu hiệu quả. Dư luận cũng lên án tình trạng nhà chức trách duy trì lỏng lẻo các biện pháp an toàn hàng hải khiến tai nạn xảy ra.
Tỉ lệ ủng hộ của người dân dành cho Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye giảm từ 71% xuống chỉ còn 40% vài tuần sau đó. Thủ tướng Jung Hong Won phải từ chức để nhận trách nhiệm. Bà Park đã cam kết cải tổ toàn diện các quy định an toàn giao thông của đất nước.
5.Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép tới vùng biển Việt Nam
© Được Tuoi Tre cung cấp Tàu Trung Quốc xịt vòi rồng vào tàu Việt Nam - Ảnh: Cảnh sát biển Việt Nam
Ngày 2-5, Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) đưa giàn khoan Hải Dương 981 trị giá 1 tỉ USD cùng hàng trăm tàu tuần tra và tàu chiến tới vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Hành vi của Trung Quốc vi phạm trắng trợn chủ quyền hợp pháp của Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS).
Việt Nam đã lên án hành vi khiêu khích và bất hợp pháp của Trung Quốc. Hàng loạt quốc gia trên thế giới như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật, Ấn Độ, Singapore, Anh, Pháp, Úc… cũng chỉ trích Trung Quốc hung hăng, gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế.
Các tờ báo lớn trên thế giới như New York Times, Washington Post, Financial Times, Straits Times, Yomiuri… và giới chuyên gia quốc tế đánh giá hành vi của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, phản ánh tư tưởng bá quyền.
Căng thẳng chỉ lắng dịu khi Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam vào ngày 15-7, sớm hơn một tháng so với kế hoạch của Bắc Kinh.
6.Sự trỗi dậy thần tốc của IS
© Được Tuoi Tre cung cấp Khói lửa bốc lên mù mịt khi máy bay liên quân Mỹ - Ả Rập đánh bom các mục tiêu IS ở thành phố Kobani tại Syria - Ảnh: Reuters
Đầu tháng 6, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) mở chiến dịch tấn công và bắt đầu chiếm đóng nhiều khu vực ở miền bắc Iraq. Lần lượt các thành phố Faullujah, Ramadi, Mosul và Tikrit sụp đổ. Trước đó từ vai trò là một chi nhánh của Al-Qaeda tại Syria, ISIL đã chiếm giữ một vùng rộng lớn ở đông Syria.
Ngày 29-6, ISIL tuyên bố thành lập vương quốc Hồi giáo và đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo (IS). Tuy nhiên truyền thông và dư luận thế giới chỉ thật sự choáng váng trước sự trỗi dậy của ISIL khi nhóm khủng bố này tung lên mạng đoạn video cảnh cắt đầu nhà báo Mỹ James Foley ngày 19-8. Đầu tháng 9, đến lượt nhà báo Mỹ Steven Sotloff bị chặt đầu.
Tiếp đến là con tin Anh David Haines, Alan Henning và rồi công dân Mỹ Peter Kassig bị sát hại. Các tổ chức quốc tế đánh giá IS trở thành nhóm khủng bố giàu nhất thế giới với khối tài sản khoảng 2 tỉ USD và nguồn thu lớn nhất là từ dầu khí.
Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) cảnh báo IS sở hữu 20.000 - 31.500 tay súng, bao gồm hàng nghìn công dân phương Tây.
IS đã vượt qua Al-Qaeda để trở thành mối đe dọa khủng bố nguy hiểm nhất thế giới.
Tháng 8, Tổng thống Mỹ Barack Obama ra lệnh không kích các mục tiêu IS ở Iraq và đến tháng 9 Mỹ bắt đầu không kích IS tại Syria. Mỹ cũng thành lập một liên minh chống IS toàn cầu với sự tham gia của 62 quốc gia.
Lực lượng Mỹ, châu Âu và Ả Rập phối hợp không kích IS ở cả Iraq và Syria. Tuy nhiên không có dấu hiệu nào cho thấy IS sẽ sớm bị tiêu diệt.
7. Cuộc tắm máu ở dải Gaza
© Được Tuoi Tre cung cấp Cảnh hoang tàn ở dải Gaza sau các cuộc không kích của quân đội Israel - Ảnh: Time
Ngày 8-7, Israel mở chiến dịch không kích dữ dội dải Gaza để tiêu diệt tổ chức Hamas. Một tuần sau Israel xua quân vào Gaza. Phản ứng lại, lực lượng Hamas liên tiếp nã tên lửa sang phía Israel.
Trước đó, căng thẳng giữa Israel và Hamas leo thang do vụ ba thiếu niên Israel bị bắt cóc và bị sát hại hồi tháng 6 và một thiếu niên Palestine bị giết chết đầu tháng 7.
Sau bảy tuần tắm máu, ít nhất 2.100 người Palestine ở dải Gaza thiệt mạng, trong đó có 513 trẻ em Ngoài ra còn 11.100 người bị thương và hạ tầng Gaza bị tàn phá tan hoang.
Ước tính 520.000 người dân Gaza lâm vào cảnh mất nhà cửa. Phía Israel cũng có 66 binh sĩ và 5 thường dân thiệt mạng. Hòa bình Trung Đông vẫn là giấc mơ quá xa vời.
8.Thảm kịch MH17
© Được Tuoi Tre cung cấp Các em bé Úc ở Eynesbury tưởng niệm năm thành viên của một gia đình Úc thiệt mạng trên chuyến bay MH17 - Ảnh: CNN
Ngày 17-7, chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines từ Amsterdam (Hà Lan) tới Kuala Lumpur bất ngờ bị bắn nổ tung trên bầu trời vùng Donetsk ở miền đông Ukraine. Toàn bộ 283 hành khách và 15 nhân viên phi hành đoàn thiệt mạng, trong đó có ba hành khách gốc Việt.
Đây là một trong những thảm họa hàng không đẫm máu nhất trong lịch sử và đẩy Malaysia Airlines, vốn đã điêu đứng sau vụ mất tích của chuyến bay MH370, rơi vào khủng hoảng.
Chính phủ Ukraine, tình báo Đức và Mỹ khẳng định quân ly khai thân Nga ở Donetsk đã bắn rơi chiếc Boeing 777 bằng một quả tên lửa đất đối không Buk.
Nga và phe ly khai đổ lỗi cho chính quyền Kiev. Ủy ban An toàn Hà Lan đang mở cuộc điều tra và dự kiến đến tháng 8-2015 sẽ công bố báo cáo cuối cùng về thảm họa này.
Thảm kịch MH17 dẫn tới làn sóng chỉ trích dữ dội của cộng đồng quốc tế đối với các quy định an toàn hàng không ở vùng chiến sự. Mỹ và phương Tây đã tăng cường các biện pháp cấm vận để trừng phạt Nga vì can thiệp vào cuộc chiến ở Ukraine, khiến căng thẳng Nga - phương Tây tiếp tục leo thang.
9. Robot Philae đáp lên sao chổi tìm hiểu sự sống
© Được Tuoi Tre cung cấp Robot Philae chụp ảnh sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko khi đang đáp xuống bề mặt của nó - Ảnh: Reuters
Ngày 12-11 chứng kiến một sự kiện khoa học mang tính cột mốc. Tàu vũ trụ Rosetta của Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) tiếp cận và thả lên bề mặt sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko robot thí nghiệm Philae.
Việc phóng thành công robot lên một sao chổi đang bay với tốc độ 65.980km/giờ, ở vị trí cách trái đất 510 triệu km được đánh giá là một thành tựu khoa học thần kỳ.
Sứ mệnh của robot Philae là nghiên cứu cấu tạo sao chổi để giải mã khởi nguồn của sự sống trên Trái đất. Những kinh nghiệm và kiến thức học hỏi từ quá trình tàu Rosetta tiếp cận sao chổi và phóng robot Philae tới bề mặt của nó sẽ là vô giá đối với các sứ mệnh không gian sau này, ví dụ như chương trình chinh phục sao Hỏa.
Dù đã rơi vào trạng thái “ngủ đông” do cạn pin nhưng robot Philae vẫn kịp gửi về Trái đất dữ liệu cho thấy các phân tử hữu cơ, nền móng của sự sống. Tàu Rosetta cũng sẽ tiếp tục quan sát sao chổi 67P để gửi dữ liệu về trái đất.
10. Giá dầu thế giới tuột dốc
© Được Tuoi Tre cung cấp Nguồn: Bloomberg, Oil News - Dữ liệu: Hồng Quý - Đồ họa: V.Cường - Ảnh: T.T.D.
Từ tháng 6 đến đầu tháng 12, giá dầu thế giới liên tục sụt giảm tới 40% và đến ngày 9-12 đã hạ xuống mức thấp kỷ lục trong năm năm qua, chỉ còn 63 USD/thùng. Tuy nhiên OPEC không tỏ dấu hiệu sẽ giảm sản lượng khai thác để đẩy giá dầu tăng trở lại.
Giới phân tích nhận định OPEC quyết giữ thị phần trước sự cạnh tranh gay gắt của các nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ.
Giá dầu giảm đẩy giá xăng bán lẻ ở các nước giảm theo. Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cho rằng giá dầu giảm sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế Mỹ và hầu hết các nước trên thế giới trong thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang vật lộn với tình trạng tăng trưởng chậm.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng người tiêu dùng toàn cầu sẽ được hưởng lợi lớn từ giá dầu giảm.
Tuy nhiên giá dầu tuột dốc cũng đánh mạnh vào nguồn thu các nước xuất khẩu dầu khí. Chính phủ Nga thừa nhận thiệt hại khoảng 100 tỉ USD/năm vì giá dầu sụt giảm. Các nước vùng Vịnh chưa tỏ dấu hiệu đáng lo ngại, nhưng giới chuyên gia cho rằng những quốc gia như Brazil, Mexico và Venezuela sẽ gặp khó khăn kinh tế lớn.
Ngân hàng Morgan Stanley dự báo giá dầu có thể giảm xuống tới 43 USD/thùng vào năm 2015.