Thứ Ba, 26 tháng 5, 2015

Ghé thăm gian hàng bán đồ ăn 3D đầu tiên trên toàn thế giới

Trong một triển lãm sắp tới tại London, một gian hàng sẽ được dành riêng để phục vụ thức ăn được tạo ra chính từ những chiếc máy in 3D.

Được ra đời khá sớm vào những năm 1980, nhưng ý tưởng về những chiếc máy in 3D chưa hoàn toàn trở nên phổ biến cho tới hiện đại. Với nhiều phiên bản máy in 3 chiều được thương mại hóa trong nhiều năm trở lại đây, công nghệ này đã được biết đến nhiều hơn. Những chiếc máy in 3D có khả năng tạo thực phẩm tuy ra đời chưa lâu, nhưng đã có một số mẫu được ra mắt và chào bán rộng rãi như ChefJet hay Foodini...

Một đoạn clip ngắn giới thiệu về máy in thực phẩm 3D.

Thức ăn được chế biến bằng máy in 3 chiều thường có hình dạng đẹp mắt, với những chi tiết sắc sảo, đưa những món ăn lên tầm tác phẩm nghệ thuật mà không tốn nhiều công sức. Những món ăn này còn có thể có hình dạng rất độc đáo, mà phương pháp ẩm thực thủ công không thể làm được. Món ăn còn được chế biến khá nhanh, tăng tính tươi ngon khi thưởng thức. Những chiếc máy này có giá giao động khá lớn từ 1000 USD (~ 20 triệu VND) trở lên.


Chiếc máy Foodini trong quá trình chế biến thức ăn.

Nhằm thúc đẩy sự phát triển của máy in 3 chiều nói chung cũng như máy in thức ăn 3 chiều nói riêng, trong triển lãm về công nghệ in 3 chiều sắp tới tại thành phố London, ban tổ chức đã bỏ công sức mời hẳn một đầu bếp có tiếng cho gian hàng máy in tạo ra những món đồ ăn 3D. Tuy danh tính của người đầu bếp này chưa được tiết lộ, nhưng một số thông tin đã được tung ra khiến cho giới hâm mộ không khỏi "thèm thuồng".


Hình ảnh tại triển lãm máy in 3 chiều London năm 2014.

Trong gian hàng này, đầu bếp nói trên sẽ chuẩn bị và tẩm ướp các nguyên liệu tươi sống. Thực khách sẽ được tận mắt chứng kiến chiếc máy in 3D kì diệu tạo ra thức ăn với đủ hình dạng hấp dẫn. Từ đó họ sẽ hiểu hơn về nhiệm vụ của những chiếc máy in này trong các công đoạn chế biến thực phẩm. Thú vị hơn cả, đầu bếp này sẽ in ra một quả địa cấu bằng sô cô la, với chi tiết bề mặt bám sát bản đồ thế giới, và địa hình sử dụng nhiều hương vị thực phẩm khác nhau.


Món Pizza đẹp mắt được chế biến từ chính máy in 3 chiều.

Hội trợ 3D Printshow năm nay sẽ được tổ chức tại triển lãm The Old Truman Brewery, London, trong 3 ngày 21 đến 23 tháng 5 nắm 2015. Bạn có thể tham khảo thông tin chi tiết có thể xem tại đây.






Một số món ăn khác được chế biến bằng máy in 3 chiều.

Nguồn: LuxuryLaunches

Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015

Tình thế Biển Đông khi Mỹ can thiệp xung đột


Tuần duyên USS Fort Worth của Mỹ
Dư luận đang rất nóng khi hành động của Mỹ có thể tạo ra một cuộc xung đột Mỹ-Trung Quốc trên Biển Đông. 
Tàu khu trục Trung Quốc và tàu USS Fort Worth của Mỹ đang “múa lượn” trên Biển Đông
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với khoảng 90% Biển Đông và đang thực thi tuyên bố bằng cách xây dựng trái phép một chuỗi đảo nhân tạo trên các bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và các nước trong khu vực. Trung Quốc còn ngang nhiên tuyên bố việc cải tạo là để phục vụ mục đích dân sự và “đáp ứng nhu cầu phòng thủ quân sự” của Trung Quốc. Trung Quốc cũng cho rằng “có quyền lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ)” trên Biển Đông nếu muốn.
Trước tình thế đó Mỹ buộc phải “thay đổi tư thế quân sự”, dự kiến điều hải quân và không quân đến Biển Đông để bảo vệ an toàn hàng không, hàng hải. Trung Quốc phản đối quyết liệt, đặc biệt là các “hỏa lực mồm” tung ra những tuyên bố cứng rắn…
Dư luận đang rất nóng khi hành động của Mỹ có thể tạo ra một cuộc xung đột Mỹ-Trung Quốc trên Biển Đông.
Xung đột quân sự Mỹ-Trung trên Biển Đông có xảy ra không?
Xảy ra hay không? Xảy ra cách nào? Muốn đánh giá chính xác hãy nhìn nhận sự việc dưới góc nhìn kinh tế và quân sự.
Trước hết về kinh tế. Cả hai, Trung Quốc và Mỹ đều có sự liên quan chặt chẽ và có quy mô lớn với nhau. Hiện tại Trung Quốc đã vượt Nhật Bản là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, 1.261 tỷ đô la, trong khi của Nhật Bản là 1.227 tỷ đô la, tính đến 3/2015.
Có một câu ngạn ngữ xưa: “Nếu ngân hàng cho bạn vay một ngàn đô la, ngân hàng là ông chủ của bạn. Nhưng nếu ngân hàng cho bạn vay một triệu đô la, bạn sẽ là ông chủ của ngân hàng” (If the bank lends you a thousand dollars, the bank owns you. But if the bank lends you a million dollars, you own the bank).
Nên nhớ rằng, chính phủ Mỹ khi phát hành trái phiếu không phải lấy tiền chỉ để chi dụng cho các nhu cầu nội địa, mà dành đến 60% cho đầu tư ở nước ngoài. Vì thế các nhà doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Trung Quốc không cần phải mang tiền từ Mỹ vào Trung Quốc mà lấy ngay tiền của Trung Quốc qua các tác vụ tài chính từ khoản Trung Quốc cho Mỹ vay qua việc mua trái phiếu kho bạc Mỹ. Số tiền này mang lại lợi nhuận lớn cho các nhà tư bản Mỹ, đặc biệt là từ thị trường Trung Quốc tiềm tàng.
Ví dụ Apple lấy tiền của Trung Quốc, tận dụng nhân công rẻ mạt của Trung Quốc, sản xuất ra một cái iPad cứ cho là 100 đô la chẳng hạn. Sản phẩm được xuất qua Mỹ và nhiều nước khác, bán với giá 500 đô la. Tiền lãi chảy hết vào túi Mỹ. Trung Quốc nghèo hơn, cho Mỹ giàu hơn vay tiền, còn Mỹ kiếm lợi ngay trên lưng kẻ cho vay, vậy, ai khôn hơn ai?
Đây là chưa nói tới việc kẻ đi vay lại chính là kẻ in ra đồng tiền đó. Chỉ cần nó phá giá một tý thôi, giá trị trái phiếu có thể mất đi vài trăm triệu đô la, nếu không nói đến vài tỷ, trong chốc lát. Điều này trong thực tế đã xảy ra…
Năm 1985 Mỹ đã buộc Nhật phải ký vào Plaza Accord để đồng yen lên giá hơn 50% so với đồng USD trong hai năm sau đó. Điều này tương đương với tất cả các khoản đầu tư trước đây của Nhật vào Mỹ bị mất giá hơn một nửa, cũng có nghĩa là Mỹ đã “bóc lột” Nhật một cách trắng trợn bằng cách “quịt” 50% số nợ với Nhật.
Hơn 30 năm sau, Trung Quốc đã thế chân Nhật trở thành “chủ nợ” lớn nhất của Mỹ. Có điều những nỗ lực của Mỹ trong suốt giai đoạn 2000-2006 không làm Trung Quốc nhượng bộ và đồng tiền chỉ được thả lỏng một phần và cho lên giá từ từ so với USD trong những năm gần đây thôi thì cũng gần như bổ sung toàn bộ thâm hụt ngân sách của Mỹ.
Hiện tại dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã hơn 2 ngàn tỷ USD. Thử tưởng tượng nếu Mỹ thành công trong việc làm USD mất giá khoảng 50% so với đồng yuan như đã làm với Nhật năm 1985, số tiền Trung Quốc bị “quịt” sẽ “kha khá”.
Vậy tại sao Trung Quốc không chuyển dự trữ ngoại tệ của mình sang các đồng tiền khác hay vàng? Hay đơn giản hơn là ngừng không tăng dự trữ ngoại tệ nữa vì đã quá đủ để đảm bảo an toàn cho cán cân thanh toán?
Trung Quốc rất muốn và đang cố gắng trong thời gian qua với các nước như Nga, BRICS…để làm điều này, thậm chí còn thành lập ngân hàng riêng với số vốn hơn 100 tỷ USD để cạnh tranh với IMF, tuy nhiên, thoát Mỹ, không muốn là “chủ nợ” của Mỹ thì còn lâu lắm khi mà nền kinh tế đang quá phụ thuộc và Mỹ. Trung Quốc vẫn phải là chủ nợ của Mỹ, vẫn phải mua trái phiếu của Mỹ nếu phát hành.
Cái lợi mà Trung Quốc được trong ván bài kinh tế này không phải là hơn 2 ngàn tỷ USD dự trữ ngoại tệ dù Trung Quốc biết sẽ mất một phần trong tương lai, sẽ bị quịt trong tương lai… mà là vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc thông qua con đường xuất khẩu, trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, quan trọng nhất của Trung Quốc. Đây là điều đặc biệt cần thiết để Trung Quốc giữ xã hội ổn định và là phương tiện để đạt được các mục tiêu chính trị khác.
Vì vậy, chừng nào Mỹ không còn là thị trường xuất khẩu quan trọng và lớn nhất của Trung Quốc, không còn là “phao cứu sinh” bảo đảm công việc làm cho hàng chục triệu, nếu không nói là hàng trăm triệu người lao động Trung Quốc…thì Trung Quốc sẽ ngừng mua trái phiếu do Mỹ phát hành, ngừng dự trữ ngoại tệ bằng dollars.
Nhưng, hiện tại thì không thể vì chỉ cần một biến động lớn trên thị trường lao động một tỷ rưỡi dân sẽ là một thảm họa cho ổn định xã hội, điều mà các nhà lãnh đạo Bắc Kinh không bao giờ muốn xảy ra, bằng mọi giá.
Vậy, Trung Quốc có muốn xung đột với Mỹ không? Đương nhiên không. Còn Mỹ có muốn xung đột với Trung Quốc không? Để làm gì khi “con gà đang đẻ ra trứng vàng”? Đương nhiên là không rồi.
Về góc nhìn quân sự. Về tình thế, Mỹ xuất hiện quân sự trên Biển Đông khác với xuất hiện trên biển Hoa Đông. Trên Hoa Đông là để bảo vệ Senkaku cho nên, nếu bị Trung Quốc tấn công, thì Mỹ lập tức đáp trả và xung đột quân sự sẽ xảy ra. Mỹ từng sử dụng quân đội để thách thức các tuyên bố chủ quyền không có cơ sở của Trung Quốc. Đơn cử như tháng 11/2013, Mỹ đã điều 2 chiếc B-52 bay trên các quần đảo mà Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Động thái này nhằm thách thức với vùng nhận dạng phòng không mà Bắc Kinh tự ý thiết lập ra trong khu vực.
Nhưng trên Biển Đông, nếu Trung Quốc chiếm đảo hoặc cải tạo các bãi đá Trường Sa của Việt Nam thì Mỹ không có trách nhiệm, Mỹ chỉ bảo vệ tự do, an toàn hàng hải, hàng không và chỉ đối đầu hay xung đột với Trung Quốc khi Trung Quốc phong tỏa, ngăn chặn hàng hải, hàng không (Trung Quốc chưa có gan làm chuyện này như lập ADIZ trên Biển Đông).
Do đó, xung đột trên Biển Đông chỉ có thể bắt đầu bởi các nước tranh chấp chủ quyền.
Về tình huống, Mỹ cho tàu chiến, máy bay theo dõi Trung Quốc ngoài vùng 12 hải lý (vì Mỹ không muốn căng thẳng) thì tình huống chưa đến mức gây nên sự “cướp cò”, nói cách khác là cả 2 đang ở nấc thang căng thẳng dưới cùng khi Mỹ phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên toàn bộ Biển Đông
Về lực lượng, Mỹ mạnh gấp nhiều lần Trung Quốc trên Biển Đông thì Trung Quốc sẽ không bao giờ dám động thủ. Đó là cách của họ mà chúng ta đã chứng kiến trong các lần gọi là khủng hoảng eo biển Đài Loan.

Như vậy, tình thế xung đột là không, tình huống cũng không – do Mỹ không muốn, về lực lượng cũng không – do Trung Quốc không dám thì làm gì có chuyện Trung Quốc-Mỹ đánh nhau. Đánh nhau bằng mồm thì có và chưa biết chừng “2 con voi này lại đang làm tình với nhau” trên Biển Đông.
* Lê Ngọc Thống

Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2015

Chuyện chưa kể phía sau bức ảnh “Hai người lính”


Cả hai cùng đóng quân tại vùng ranh giới Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Trong một buổi chiều tạm yên tiếng súng, họ cùng choàng vai nhau chụp chung một bức hình kỷ niệm.
Khoảnh khắc này được ông Chu Chí Thành, phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), ghi lại vào thời điểm tháng 4-1973. Hơn 40 năm sau, tác giả bức ảnh đã cất công đi tìm lại nhân vật của mình…
Tấm ảnh lịch sử
Ông Chu Chí Thành nay đã ngoài tuổi thất tuần, vẫn còn rất minh mẫn. Trong ngôi nhà có phần cũ kỹ của ông ở một con hẻm trên đường Minh Khai (Hà Nội), rất nhiều bức ảnh về cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam – Bắc được ông trưng bày.
Nằm ngay ở vị trí trang trọng nhất trong phòng riêng của ông là bức ảnh được phóng khá to về hai người lính khoác vai nhau – một người mặc quân phục bộ đội giải phóng, người còn lại mặc quân phục thủy quân lục chiến của quân đội Việt Nam cộng hòa. Sau lưng hai người là trảng cát rộng của vùng giới tuyến trải dài hơn 2km.
Họ là hai người lính ở hai bên chiến tuyến đã choàng vai nhau chụp chung một bức hình kỷ niệm
Họ là hai người lính ở hai bên chiến tuyến đã choàng vai nhau chụp chung một bức hình kỷ niệm
Ông Chu Chí Thành trầm ngâm một lúc lâu như để lục lại ký ức về khoảnh khắc này hơn 40 năm về trước. “Lúc đó, tôi cùng anh Trần Mai Hưởng, cũng là phóng viên của TTXVN, đến chốt Long Quang. Thật bất ngờ về tất cả những gì đang diễn ra ở đây” - ông Thành nói.
Đó là thời điểm tháng 4-1973, tức chỉ khoảng hơn một tháng sau ngày hiệp định Paris được ký kết. Chiến sự được tạm dừng ở vùng ranh giới hai miền. Ông Thành vẫn nhớ rất rõ thời điểm ông đến chốt Long Quang, ở hai bên ranh giới vẫn chĩa súng về phía nhau.
Tuy nhiên, đến buổi chiều thì mọi chuyện hoàn toàn thay đổi. Một nhóm bộ đội miền Bắc ra vẫy tay gọi í ới vào chốt của quân đội miền Nam ở bên kia ranh giới, mời mấy anh em qua bên này uống nước chè xanh.
“Tôi cứ ngỡ là chuyện đùa. Nhưng mấy phút sau một nhóm bốn năm người lính cộng hòa kéo dây ranh giới để qua chốt của quân giải phóng” – ông Thành kể chậm rãi.
Hai bên bắt tay, chia nhau chén nước chè xanh, hút chung điếu thuốc lá Điện Biên và cùng trò chuyện cười đùa. Những người lính phía miền Nam nói giọng miền Nam cũng mang sang một chai rượu nếp đen làm quà cho bộ đội miền Bắc.
Một anh lính thủy quân lục chiến thấy ông Chu Chí Thành cầm máy ảnh nên gọi: “Nhà báo ơi, chụp cho tôi với anh bộ đội giải phóng tấm hình kỷ niệm”.
Nói rồi, hai người lính đến khoác vai nhau tươi cười hồn nhiên. Bấm xong mấy bức hình, ông Thành đứng trân người đến mức quên mất chuyện hỏi tên tuổi của hai người lính.
“Cách đó mấy cây số về phía nam súng vẫn đang nổ, nhưng tại điểm ranh giới này họ nói chuyện với nhau rôm rả, không giống những người lính ở hai bên chiến tuyến. Nhìn cái cách mà hai người lính ấy choàng tay nhau, tôi biết rằng ngày đất nước thống nhất đã sắp đến” – ông Thành xúc động.
Tìm người trong ảnh
Ông Thành ở vùng giới tuyến giai đoạn này hơn ba tháng mới về Hà Nội. Từ lúc chụp bức ảnh tại chốt Long Quang cho đến khi về rửa phim, tráng ảnh xong, ông mới sững người vì đã quên hỏi tên của hai người lính đó.
Tấm ảnh được ông giấu kỹ cho đến năm 2007 mới công bố. Ông đặt tên cho tấm ảnh là Hai người lính. Dù ảnh đã có tên, nhưng ông Thành nói vẫn cứ luôn canh cánh trong lòng một nỗi niềm. Ông thấy mình như còn mắc nợ vì cái sự “quên” đáng trách đó nên quyết đi tìm thông tin về hai người lính.
Ông mang tấm ảnh tìm đến những người bạn từng chiến đấu tại chiến trường thành cổ Quảng Trị giai đoạn từ 1972-1973 để hỏi. Hết người này đến người khác đều lắc đầu. “Ai cũng nói chiến tranh bom đạn ác liệt, chỉ những người cùng tiểu đội mới biết nhau. Có người cùng đơn vị chưa kịp hỏi tên nhau đã hi sinh”.

Ông Chu Chí Thành – nguyên chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Việt Nam, nguyên phóng viên ảnh TTXVN, tác giả của bức ảnh Hai người lính – trước hội trường Thống Nhất, TP.HCM chiều 26-4 – Ảnh: Thuận Thắng
Cách đây mấy năm, ông có quen một nữ phóng viên, ông cũng đưa tấm ảnh cho cô này nhờ đưa lên mạng Internet để “may có người biết”.
Tính đến khi chúng tôi tìm gặp ông, đã hơn 40 năm sau khoảnh khắc ấy và cũng đã hơn chục năm ông tìm kiếm, nhưng vẫn vô vọng.
Gặp chúng tôi, ông cũng không quên gửi gắm nỗi lòng của mình, có cách gì tìm giúp ông. Và chúng tôi đã cất công đi tìm. Thật may mắn, trong khi tìm về điểm chốt Long Quang (Quảng Trị) ngày ấy, chúng tôi đã gặp được một manh mối.
Ông Phan Tư Kỳ, nguyên là xã đội trưởng xã Triệu Trạch thời điểm năm 1972-1973, xem kỹ bối cảnh tấm ảnh rồi dẫn chúng tôi ra lại đường ranh giới hai miền giữa trảng cát năm nào để xác định vị trí nơi ra đời tấm ảnh.
Đây là vị trí mà vào thời điểm sau hiệp định Paris, trung đoàn 48 thuộc sư đoàn 320 đóng quân. Nhưng có đến năm đại đội thuộc hai tiểu đoàn được rải quân theo từng nhóm đóng chốt dọc theo đường ranh giới dài hơn 2km.
“Tôi chỉ biết chừng đó. Không thể nhớ được là người trong ảnh thuộc đại đội nào” - ông Kỳ lắc đầu.
Ông Lê Vũ Bằng, nguyên ủy viên Ủy ban xã Triệu Trạch, phụ trách binh vận tại chốt Long Quang thời điểm đó, dù “thấy quen quen” nhưng cũng không nhớ là ai. Liên lạc với một số cựu binh thuộc trung đoàn 48 thời điểm ấy tại Quảng Trị nay ở Hải Phòng, Thanh Hóa, Thái Bình, chúng tôi cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu.
Đã tìm được người bộ đội
Trời Quảng Trị trở gió bấc khi dịp kỷ niệm 40 năm ngày đất nước thống nhất đến gần. Cuộc điện thoại ngắn ngủi thông báo cho ông Chu Chí Thành về kết quả tìm kiếm không được như ý vừa dứt trong tiếng thở dài tiếc nuối, thì một cuộc điện thoại khác bất ngờ đến.
Điện thoại từ ông Phan Tư Kỳ. “Có manh mối rồi. Ngày mai có một đoàn cựu binh C5 (đại đội 5, tiểu đoàn 2, trung đoàn 48) ở Thạch Thất (Hà Nội) sẽ ghé về Long Quang thăm chiến trường xưa” – ông Kỳ reo lên.
Đúng 9g sáng 21-4, chiếc ôtô chở đoàn cựu binh vừa đến Long Quang, ông Phan Tư Kỳ mang theo bức hình của chúng tôi chạy ra đưa cho đoàn. Hơn 20 người lính C5 chuyền tay nhau bức ảnh và lục lại ký ức hơn 40 năm trước. Ai cũng nói thấy người bộ đội trong bức ảnh quen mặt nhưng không nhớ là người nào.
Trong buổi trưa cùng ngày, bức ảnh được những cựu binh này chuyển đi khắp tất cả các ban liên lạc của trung đoàn 48 tại các tỉnh thành trong cả nước qua đường Internet. Đúng 16g40 cùng ngày, một cuộc điện thoại lạ bất ngờ đến. Đó là ông Đỗ Bê, nguyên là đại đội trưởng đại đội 5, tiểu đoàn 2, trung đoàn 48.
Ông Bê khẳng định người trong bức hình chính là lính của đại đội mình năm ấy. Để chúng tôi chắc chắn, ông Bê nối điện thoại cho chúng tôi gặp ông Đỗ Thành Chấm, là một người lính của đại đội 5.
Ông Chấm khẳng định người bộ đội trong bức hình này là bạn thân của ông từ thời niên thiếu ở thôn 2, Kim Quan, Thạch Thất, Hà Nội, tên là Dương Minh Sắc, sinh năm 1954. Hai người nhập ngũ cùng ngày và ở cùng đơn vị nhiều năm.
Tuy nhiên, ông Chấm thở dài: “Tiếc là Sắc đã mất vì bệnh nặng cách đây mấy năm”. Lần theo địa chỉ của ông Chấm đưa, chúng tôi vào Huế tìm vợ của ông Sắc. Bà Đỗ Thị Thim, vợ ông Sắc, vào Huế sống với anh trai là một cựu chiến binh người Thái Bình hiện kinh doanh khách sạn ở đây.
Tay run run cầm bức ảnh chúng tôi đưa, bà Thim chạy vào tủ lấy ra một tập hình kỷ niệm của vợ chồng đem ra so sánh. “Đây, cái mũi và cặp mắt này thì không lẫn đâu được. Đúng là ông Sắc nhà tôi thời trẻ” – bà Thim nói.
Theo bà Thim, hai ông bà gặp nhau tại Nga khi cả hai cùng đi xuất khẩu lao động năm 1990, một năm sau thì cưới nhau và sinh con. Thời điểm bà gặp ông Sắc cách thời điểm chụp bức ảnh này đến 17 năm sau nên ngoại hình ông có nhiều thay đổi.
Nhưng những nét trên khuôn mặt này rất khó nhầm lẫn. Khi lấy nhau, ông Sắc cũng kể cho bà nghe rất nhiều về cuộc chiến ác liệt ở Quảng Trị, nhưng ông chưa một lần kể về việc chụp bức ảnh này.
“Những ngày ở Nga ông ấy cũng hay kể chuyện chiến trường. Có lúc kể về giai đoạn sau hiệp định Paris mới thấy ông vui hơn một chút. Bởi khi đó, lính hai bên tại vùng giáp ranh qua lại với nhau rất bình thường. Văn công về biểu diễn bên này thì cũng gọi lính bên kia qua xem chung” – bà Thim nói.
Năm 2008, tức gần một năm trước khi mất, ông Sắc cứ nằng nặc đòi về thăm lại chiến trường xưa Quảng Trị.
Và sau khi thỏa nguyện ước mong này, ông qua đời. “Chồng tôi chỉ có hình ảnh từ thời điểm năm 1990 trở về sau. Khi đó anh Sắc đã 37 tuổi. Không ngờ anh lại còn một hình ảnh ở tuổi 20 như thế này” – bà Thim nói.
Theo Tuổi trẻ

Số Phận 10 Nhân Vật Quyền Lực Nhứt Saigon Sau 1975

Số Phận 10 Nhân Vật Quyền Lực Nhứt Saigon Sau 1975


Nguyễn Văn Thiệu (1923-2001) là Tổng thống chế độ Sài Gòn từ 1967-1975. Đêm 25/4/1975, ông rời VN đi Đài Loan dưới danh nghĩa phúng điếu Tưởng Giới Thạch, rồi bay thẳng sang Anh định cư. Đầu thập kỷ 1990, ông Thiệu chuyển sang sống tại Foxborough, Massachusetts, Mỹ và sống một cuộc sống thầm lặng trong quãng đời còn lại ở đây. Ông qua đời ngày 29/9/2001, sau khi đột quỵ tại nhà riêng ở Foxborough, thọ 78 tuổi.


Dương Văn Minh (1916-2001) là Tổng thống cuối cùng của chế độ Sài Gòn. Sau năm 1975, ông sống tại TP Hồ Chí Minh, cho đến năm 1983 thì sang Pháp định cư. Nhưng ngay sau đó, ông lại chuyển sang California (Mỹ), sống với gia đình con gái. Ông qua đời ngày 6/8/2001, thọ 86 tuổi. Thời gian cuối đời, Ông Dương Văn Minh đã bày tỏ mong muốn được trở về quê hương và sống như một người dân Việt Nam bình thường.


Trần Văn Hương (1902-1982) là cựu Thủ tướng (1964–1965; 1968–1969), phó tổng thống(1971-1975), rồi Tổng thống trong thời gian 7 ngày (21-28/4/1975) của chế độ Sài Gòn.  Sau 1975, ông chọn ở lại quê hương, tiếp tục sống ở căn nhà của mình ở Sài Gòn. Những năm tháng cuối đời, ông sống chung với em gái, em rể, và người con trai lớn là Lưu Vĩnh Châu – từng là một đại úy Quân đội Nhân dân Việt Nam, đã tham gia trận Điện Biên Phủ. Ông mất ngày 27/1/1982, hưởng thọ 80 tuổi.


Nguyễn Cao Kỳ (1930-2011) là một sĩ quan cao cấp và là cựu Thủ tướng và Phó Tổng thống của chế độ Sài Gòn. Năm 2004, ông đã về thăm quê hương trong tinh thần hòa giải dân tộc. Ông mất ngày 23/6 tại một bệnh viện ở Malaysia, thọ 81 tuổi.


Nguyễn Xuân Oánh (1921–2003), là cựu Phó Thủ tướng kiêm Thống đốc Ngân hàng, 2 lần là quyền Thủ tướng trong chính phủ Sài Gòn. Sau 1975, ông tiếp tục được chính quyền mới trọng dụng. Trong tiến trình Đổi mới cuối thập niên 1980, ông đã có đóng góp lớn vào việc cải cách các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, đầu tư nước ngoài… tại VN. Ông từng là cố vấn kinh tế cho Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt và cũng là Đại biểu Quốc hội, Ủy viên UBTW Mặt trận Tổ quốc VN. Ông mất ngày 29/8/2003 tại TP HCM.


Vũ Văn Mẫu (1914-1998) là một chính trị gia kiêm học giả về ngành luật nổi tiếng ở Sài Gòn trước năm 1975. Ông từng giữ chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao rồi Thủ tướng của chế độ Sài Gòn. Sau 1975, ông ở lại VN trong một thời gian, rồi sau đó sang Pháp và định cư ở đây cho đến tận cuối đời. Ông Vũ Văn Mẫu mất ngày 20/8/1998 tại Paris, thọ 84 tuổi


Nguyễn Hữu Có (1925-2012) là cựu Phó thủ tướng kiêm tổng trưởng Quốc phòng và tổng tham mưu trưởng quân lực chính quyền Sài Gòn. Sau năm 1975, ông ở lại VN và phải đi cải tạo đến năm 1987. Tuy vậy, đến cuối năm 2004, ông được bầu làm Ủy viên UBTW Mặt trận Tổ quốc VN và được chính phủ VN xem như một biểu tượng của sự hòa giải dân tộc, xóa bỏ hận thù của 30 năm chiến tranh. Ông mất tại TP HCM ngày 3/7/2012, hưởng thọ 87 tuổi. Trong ảnh là vợ chồng ông Nguyễn Hữu Có, chụp vào tháng 2.2012.


Trần Văn Đôn (1917-) là tướng lĩnh cao cấp của Quân lực Sài Gòn và là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng trong nội các cuối cùng của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Vào ngày 29/4/1975, ông là một trong những người di tản trên chuyến trực thăng nổi tiếng của Mỹ xuất phát từ tầng thượng tòa nhà 22 phố Gia Long (nay là phố Lý Tự Trọng) ở Sài Gòn. Sau đó, ông sang Pháp định cư và sinh sống ở đó cho tới nay.


Cao Văn Viên (1921-2008) là 1 trong 5 người được phong hàm đại tướng quân lực chế độ Sài Gòn. Ông là vị tướng giữ chức vụ Tổng Tham mưu trưởng trong thời gian lâu nhất (1965-1975) và cũng là người cuối cùng giữ cương vị này của chế độ Sài Gòn. Năm 1975, trước các thất bại quân sự, ông từ nhiệm ngày 27/4 và lên máy bay di tản sang Mỹ. Sau 1975, ông sống lặng lẽ tại Arlington, Virginia. Ông mất ngày 22/1/2008 tại viện dưỡng lão, thọ 87 tuổi.


Vương Văn Bắc (1927-2011) là một luật sư và Tổng trưởng Ngoại giao vào những năm cuối cùng của chế độ Sài Gòn. Sau ngày 30/4/1975, ông sang Pháp định cư. Nhờ học vấn uyên thâm, ông được ngành luật của nước Pháp trọng dụng và làm việc cho đến năm 80 tuổi mới nghỉ ngơi. Ông mất ở Paris ngày 20/6/2011.