Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

VŨ KHÍ CHIẾN LƯỢC DẦU HỎA



SƯU TẦM

image
Trong vòng ba năm nay, những tính toán về thế chiến lược địa dư toàn cầu đã bị một vũ khí chiến lược mới của Hoa Kỳ làm thay đổi hẳn cục diện. Đó là vũ khí dầu hỏa, một thứ vũ khí trước giờ làm Hoa Kỳ khốn đốn và bị lệ thuộc vào những quốc gia không mấy gì thân thiện với Hoa Kỳ nắm giữ như những xứ vùng Trung Đông, Venezuela và Nga. Nhưng thế cờ hiện nay đã bị lật ngược và Hoa Kỳ đã nắm thượng phong để có thể dùng dầu hỏa như một vũ khí chiến lược cho những tính toán mới cho chính trị địa dư toàn cầu.

Điều này xảy ra được hoàn toàn nhờ vào một kỹ thuật mới về đào dầu. Đây là phương cách tân tiến nhất dùng vệ tinh satellite để điều khiển mũi khoan dầu, đào sâu xuống nhiều dặm dưới lòng đất rồi tùy theo vị trí có thể quay ngang và đào bên cạnh gọi là horizontal drilling, tiến tới mục tiêu chính xác có thể chỉ nhỏ như một chiếc bánh xe! Trước kia việc đào dầu thường chỉ dùng những dữ kiện do địa chấn đem lại để tìm mỏ dầu và đào thử hàng chục lần mới được một lần trúng. Những lần đào hụt gọi là dry holes, tốn tiền nhiều và mất nhiều thời giờ để đào trúng mỏ dầu. Với những dữ kiện về địa chất do satellite technology và cách đào ngang horizontal drilling, việc đào hụt gặp dry holes không xảy ra nữa!

image 
Nhưng việc sản xuất dầu hiện nay tại Hoa Kỳ thay đổi nhiều hơn cả là do việc lấy dầu từ đá gọi là shale oil. Dưới đáy của những mỏ dầu đã bơm ra gần cạn từ đầu thế kỷ 20 đến giờ, là những mỏ đá shale oil chứa dầu nằm lẫn trong đá. Dầu hỏa nằm trong đá này trước giờ không lấy ra được vì không chảy và không bơm lên được, gọi là dầu chặt, tight oils. Dung lượng của những mỏ dầu nằm trong shale oil còn nhiều hơn những mỏ dầu bơm lên dễ dàng trước kia, nhưng nay đã bơm cạn.

Kỹ thuật mới hiện tại là dùng cách đào như diễn tả trong đoạn trước và đào nganghorizontal drilling để tiến sâu vào những mỏ đá shale oil. Sau đó hàng ngàn gallons nước được bơm thẳng vào những vết nứt của mỏ đá shale oil này với áp suất cực mạnh. Dầu và khí đốt nằm trong đá được hút ra sau khi được nước bơm vào giải tỏa và được bơm thẳng lên trên mặt đất. Kỹ thuật này gọi là hydraulic fracturing, thường gọi tắt là fracking và hiện đang được áp dụng tại ba vùng có mỏ dầu shale oil lớn nhất Hoa Kỳ. Đó là vùng Bakken tại tiểu bang North Dakota, vùng Permian Basin gần Midland, Texas và vùng Eagle Ford tại phía Nam Texas.
image
Nhờ vào số lượng dầu bơm từ ba vùng này với kỹ thuật mới, mức sản xuất dầu của Hoa Kỳ đã tăng vọt từ 5 năm trở lại, nhưng tăng nhiều nhất là ba năm nay. Trong thập niên 60’s mức sản xuất dầu của Hoa Kỳ lên đến mức cao nhất và sau đó đi xuống dần. Năm 1970 là mức tột đỉnh với sản xuất dầu nội địa là 9.6 triệu thùng dầu một ngày. Sau đó các mỏ dầu nhất là tại vùng Texas cạn dần, cho đến năm 2008 chỉ còn sản xuất được 5 triệu thùng dầu một ngày. Nhưng từ năm 2011 đến 2014, mức sản xuất dầu hỏa nhờ vào kỹ thuật fracking đã làm tăng lên được 46%, chưa bao giờ tăng nhanh lên được như vậy kể từ giai đoạn 1921-1924, đúng 90 năm trước, lúc mới bắt đầu việc đào dầu tại Hoa Kỳ tạo ra các nhà tỷ phú như Rockefeller thời đó!

Năm 2013 mức sản xuất dầu của Hoa Kỳ là 7.5 triệu thùng dầu một ngày, với ước tính cho năm 2014 sẽ là 8.3 triệu thùng dầu sản xuất mỗi ngày. Với đà sản xuất này, theo cơ quan năng lượng quốc tế International Energy Agency, đến năm 2020, Hoa Kỳ sẽ qua mặt Saudi Arabia để sản xuất lên đến mức 11.6 triệu thùng dầu một ngày!
image
Như vậy điều rõ ràng nhất là Hoa Kỳ sẽ không cần đến Saudi Arabia như trước nữa! Xứ này từ trước đến nay nắm giữ quyền lực về dầu hỏa vì được coi là swing producer, tức có khả năng để ấn định giá cả cho dầu hỏa. Với mức bơm dầu nhiều nhất thế giới, Saudi Arabia chỉ việc bơm nhiều hơn hay ít hơn để xác định giá cả cho dầu hỏa và Hoa Kỳ lệ thuộc vào xứ này trên phương diện chiến lược. Như việc phải bảo vệ cho Saudi Arabia với các căn cứ quân sự tại đây cũng như đặt Đệ Ngũ hạm đội tại vùng Bahrain và tuần tiễu trên vùng Vịnh để giữ cho đường thủy chở dầu được lưu thông.

Trong chiến lược ngăn chặn Iran không cho quốc gia này chế tạo bom nguyên tử, ngoài việc bảo vệ Do Thái, Hoa Kỳ còn bị áp lực của Saudi Arabia. Lý do là hai xứ Iran và Saudi Arabia là hai kẻ thù không đội trời chung. Iran được coi như cầm đầu các xứ theo Shiite, trong khi Saudi Arabia là quán quân cho phe Sunni của Hồi Giáo. Thế chiến lược địa dư hiện nay tại vùng Trung Đông có thể coi như một cuộc tranh chấp đẫm máu giữa hai giáo phái Sunni và Shiite của Hồi Giáo. Hiện nay cuộc nội chiến tại Syria đã biến thể để thành chiến tranh giữa Shiite với phe của Assad và Iran ủng hộ, với phe Sunni của đa số dân Syria được Saudi Arabia và các vương quốc vùng Vịnh yểm trợ. Đây chính là lý do Saudi Arabia đã bất mãn đến cùng cực khi Tổng Thống Obama chùn chân không chịu cho tấn công Assad năm ngoái sau vụ thảm sát dân lành bằng vũ khí hóa học. Quốc Vương Abdullah của Saudi Arabia đã coi đây là một sự phản thùng của Obama, không chịu tiến tới trong việc yểm trợ phe Sunni để lật đổ Assad như Saudi Arabia đã mong muốn.
image
Tuy nhiên việc Obama trở mặt vào phút chót đối với Saudi Arabia đã cho thấy một điều rõ ràng. Là ảnh hưởng của Saudi Arabia đối với Hoa Kỳ đã không còn được như trước. Obama đã tính toán là vùng Trung Đông không còn giữ vai trò quan trọng như khi Hoa Kỳ bị lệ thuộc vào Saudi Arabia về dầu hỏa và cần phải giữ cho Saudi Arabia hài lòng bằng mọi giá, kể cả việc gây ra thêm một cuộc chiến tranh khác như tại Syria. Với mức dầu hỏa sản xuất tại Hoa Kỳ chỉ trong thời gian ngắn sắp đến sẽ làm Hoa Kỳ độc lập về dầu hỏa, Saudi Arabia đã mất đi thế đòn bẩy để áp lực Hoa Kỳ bằng dầu. Nên việc Obama trở mặt với vua Abdullah của Saudi Arabia trong vụ Syria vừa qua có thể coi như bước đầu trong thế chiến lược thay đổi của Hoa Kỳ tại vùng Trung Đông, khi Hoa Kỳ đã nắm được thế thượng phong với vũ khí chiến lược dầu hỏa.
Cũng thế, lý do để Iran phải chịu vào bàn thương thuyết với Hoa Kỳ về việc tinh luyện nhiên liệu uranium cho bom nguyên tử, cũng do Hoa Kỳ đã trên chân về vũ khí dầu hỏa. Iran trước giờ đe dọa sẽ cho phong tỏa eo biển Hormuz để chặn đường biển chở dầu hỏa từ các xứ vùng Vịnh, kể cả Saudi Arabia. Nhưng với Hoa Kỳ gia tăng mức sản xuất dầu do fracking, thế đòn bẫy này của Iran không còn nữa. Hoa Kỳ trong những năm của thời George Bush hay Clinton đã không thể dùng những biện pháp chế tài kinh tế khắt khe với Iran chỉ vì sợ Iran làm thật để phong tỏa eo biển Hormuz và làm rối loạn kinh tế toàn cầu khi giá dầu lên vài trăm Mỹ Kim một thùng.
image
Nhưng khi áp lực đòn bẫy này của Iran không còn nữa, Obama đã có thể cho áp dụng các biện pháp chế tài kinh tế khắt khe nhất mà không sợ Iran phản ứng lại. Điều làm cho Iran phải qui hàng và chịu vào bàn thương thuyết chính là đòn cô lập Iran về ngân hàng và tín dụng. Các ngân hàng trên toàn cầu không thể giao dịch với Iran nên xứ này bị loại ra khỏi hệ thống ngân hàng và tín dụng, không thể bán dầu lấy dollar được, chỉ có thể trao đổi hàng hóa với Trung Hoa, Ấn Độ….. nên đã bị thiệt hại nặng và sụp đổ kinh tế.

Như thế một khi Hoa Kỳ chiếm thế thượng phong trong vũ khí chiến lược dầu hỏa, các bài tính chiến lược của vùng Trung Đông đã phải thay đổi hết và đem lại những giải quyết cho vấn đề Iran nhức đầu cho Hoa Kỳ hàng bao nhiêu năm nay.

Trong cuộc khủng hoảng mới nhất hiện nay tại Ukraine, vũ khí chiến lược dầu hỏa và khí đốt cũng đã trở thành thế lực mạnh nhất cho các tính toán của Putin và Obama trong việc đối chọi giữa Nga và thế giới Tây Phương hiện nay. Hoa Kỳ và Âu Châu gần như đã chấp nhận cho Putin chiếm Crimea, nhưng muốn ngăn chặn những tham vọng kế tiếp của Putin là chiếm luôn miền phía Đông và Nam Ukraine, phân chia xứ này ra làm hai, nửa theo Nga, nửa theo Tây Âu. Putin có thế đòn bẫy là cung cấp khí đốt cho Âu Châu bằng các ống dẫn khí đốt này chạy ngang qua lãnh thổ Ukraine. Nếu Hoa Kỳ và Tây Âu làm dữ, nhất định trừng phạt Nga nặng nề hơn bằng các biện pháp kinh tế và loại Nga ra khỏi hệ thống ngân hàng và tín dụng, Putin có thể phản ứng lại bằng cách cho khóa các ống dẫn khí đốt này và 60% nhà cửa của Tây Âu sẽ lạnh cóng vì thiếu hơi đốt!

image
Ngoài ra Nga cũng là xứ sản xuất dầu và cung cấp cho Âu Châu nên ngoài khí đốt, dầu hỏa sẽ bị khan hiếm với giá tăng vọt cho dân chúng Âu Châu. Hoa Kỳ có thể cho xuất cảng hơi đốt sang Âu Châu bằng cách cho đông lạnh liquefied natural gas và dùng tầu tanker chở băng ngang qua Đại Tây Dương cung cấp cho khí đốt cho Âu Châu. Nhưng những cơ sở để làm đông lạnh hơi đốt tại Hoa Kỳ và các cơ cấu hạ tầng chưa có sẵn tại Hoa Kỳ và sẽ mất hai ba năm để có thể thay thế toàn bộ lượng khí đốt Âu Châu nhập cảng từ Nga.

Cũng thế tuy Hoa Kỳ trong tương lai có thể dư thừa dầu hỏa để xuất cảng sang Âu Châu. Nhưng hiện nay Hoa Kỳ vẫn còn lệnh cấm xuất cảng dầu do Quốc Hội Hoa Kỳ ban hành luật này từ đầu thập niên 70’s khi dân chúng Hoa Kỳ phải xếp hàng để mua xăng!. Muốn xuất cảng dầu, Hoa Kỳ phải bỏ luật cấm này. Nhưng hiện vẫn còn bị kỹ nghệ lọc dầu chống đối và chưa ra luật được! Lý do là các nhà máy lọc dầu hưởng lợi do việc mua dầu sản xuất tại Hoa Kỳ giá rẻ, cho lọc dầu và bán với giá của thị trường toàn cầu cao hơn nhiều. Nếu bỏ luật cấm xuất cảng dầu, các nhà máy lọc dầu sẽ phải mua dầu sản xuất nội địa với giá cao hơn nên không còn lời nữa! Vì sự chống đối của các kỹ nghệ lọc dầu, đạo luật cấm xuất cảng dầu vẫn chưa bỏ được!


image
Tuy nhiên nếu tình hình tại Ukraine trở thành tồi tệ hơn và Putin cho chiếm thêm đất xứ này, dĩ nhiên Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ phải bỏ luật cấm xuất cảng làm lợi cho thiểu số lọc dầu để bảo vệ cho chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ chống lại Nga!
Tuy vậy chỉ cần đe dọa là Hoa Kỳ sẽ thực hiện việc cung cấp khí đốt đông lạnh cho Âu Châu và sẽ cho xuất cảng dầu hỏa sang, dù phải mất hai ba năm nữa, cũng đủ để cho Putin phải chùn chân và tính toán lại nếu không muốn thấy kinh tế Nga đi vào chỗ sụp đổ như Iran hiện nay.

Đây là thế đòn bẫy quan trọng vì Nga hiện nay có thể được coi như một thứ Saudi Arabia thứ hai, gần như hoàn toàn chỉ sống bằng việc xuất cảng dầu hỏa và khí đốt. Kinh tế của Nga được coi là lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn lợi thiên nhiên. Putin có mua chuộc được giới quân sự và được nhiều nhóm dân chúng ủng hộ, thực ra cũng nhờ vào các nguồn lợi do xuất cảng năng lượng này. Nên khi Hoa Kỳ có lợi thế hơn về vũ khí chiến lược dầu hỏa, thế đòn bẫy này của Nga đã giảm đi nhiều hiệu quả.
image
Và trong sự tính toán của Putin hiện nay, liệu việc chiếm thêm đất của Ukraine sẽ phải trả giá quá đắt do việc Hoa Kỳ và Âu Châu loại Nga ra khỏi hệ thống ngân hàng và tín dụng, cũng như trong hai ba năm đến sẽ ngưng mua dầu hỏa và khí đốt từ Nga. Lúc đó chắc chắn kinh tế Nga sẽ xuống dốc không phanh và sụp đổ dễ dàng. Putin dĩ nhiên sẽ tính toán lợi hại với các giả sử và bài tính khác nhau để chọn con đường đi tới trong vài tháng sắp đến. Việc Putin gọi điện thoại thẳng nói chuyện với Obama trong hai tiếng đồng hồ và cho ngoại trưởng Lavrov gặp ngoại trưởng John Kerry tuần qua là dấu hiệu Putin có thể cũng đã chùn chân và lạnh cẳng trước những đe dọa của Hoa Kỳ về năng lượng và phải tính lại hết các bài tính chiến lược mới!

Như vậy chỉ với một tiến bộ kỹ thuật mới về đào dầu, Hoa Kỳ đã làm thay đổi hẳn cục diện cho các thế chiến lược và chính trị địa dư của toàn cầu. Chỉ trong vòng ba năm, Hoa Kỳ đã chiếm thế thượng phong đối với vũ khí chiến lược dầu hỏa và nhờ đó thay đổi hẳn các tính toán cho vùng Trung Đông cũng như cho Âu Châu hiện tại. Kẻ thù tương lai và nguy hiểm nhất cho Hoa Kỳ hiện nay là Trung 
Cộng cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ vì ưu thế mới này của Hoa Kỳ đối với vấn đề năng lượng.
image 
Điều đầu tiên là những kỹ nghệ sản xuất về solar panels, chế các tấm bảng đổi ánh sáng mặt trời ra điện của Trung Cộng hiện nay đã bắt đầu bị phá sản. Trong mấy năm trước, Trung Cộng đã chiếm đến 80% thị trường về kỹ nghệ này. Nhưng với giá dầu đi xuống, mức sản xuất dầu nội địa Hoa Kỳ đi lên, các kỹ nghệ về năng lượng mặt trời đều bị phá sản hết! Và Trung Cộng đầu tư nặng về các ngành này sẽ bị ảnh hưởng nặng! Đây chỉ là một điểm nhỏ trong những chiều hướng thay đổi lớn trên toàn cầu do các tiến bộ về kỹ thuật đem lại.

Sự phát triển nhanh chóng về kinh tế của Trung 
Cộng trong vài thập niên qua, thực sự chỉ do Hoa Kỳ, Tây Âu và Nhật sai lầm đầu tư quá trớn vào Trung Cộng và thiếu suy nghĩ cho các hậu quả tương lai. Nhưng Trung Cộng không thể so sánh với Hoa Kỳ về phương diện tiến bộ kỹ thuật, chỉ học lén, ăn cắp và lường gạt các nhà đầu tư ngoại quốc. Nên hiện nay kinh tế Trung Cộng đã chậm lại và nhiều phần sẽ đi vào suy thoái nặng trong tương lai.
image
Tóm lại Hoa Kỳ vẫn là quốc gia hàng đầu của thế giới với những phát minh và tiến bộ kỹ thuật mới mẻ. Chỉ với một phương cách đào dầu tân tiến, Hoa Kỳ đã làm thay đổi hẳn những thế tính toán chiến lược địa dư trên toàn cầu. Tất cả nhờ vào vũ khí dầu hỏa nay đã trở thành ưu thế chiến lược cho Hoa Kỳ để chống lại với các kẻ thù cũ như Iran, Nga. Cũng như đối với kẻ thù mới trong tương lai chính là Trung Cộng vậy!


Nguyễn Đình Phùng

Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

TƯỚNG ĐỜ CATXTRI NÓI GÌ VỀ TƯỚNG GIÁP...


Tôi hân hạnh được làm đối thủ của Tướng Giáp, để được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như Tướng Giáp. Tôi ngưỡng mộ và kính phục ông (lời Đờ Cátxtơri).
Để giúp Bộ Tham mưu chiến dịch Điện Biên Phủ, Cục Quân báo mặt trận đảm nhiệm phần nắm địch cả trước, trong và sau chiến dịch để bảo đảm cho bộ chỉ huy hạ quyết tâm tác chiến. Đồng chí Cao Pha lúc đó là Phó Cục trưởng Cục Quân báo – Bộ Tổng Tham mưu được phân công đặc trách công tác tình báo, quân báo, trinh sát nắm địch suốt cả chiến dịch này, trong đó đặc biệt là khai thác tù hàng binh. Gần đây tôi được ông tiếp chuyện và kể cho nghe nhiều điều thú vị về hoạt động nắm địch ở Điện Biên Phủ, trong đó có phần khai thác tù hàng binh. Ông kể:
Ngày 10/5/1954, chúng tôi nhận được chỉ thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Trước khi ta trao trả tù binh cho đối tượng, cần tranh thủ khai thác ngay số tù binh sĩ quan cấp cao, nhất là tướng Đờ Cátxtơri, Đại tá Lăngle – Phó chỉ huy và Trung tá Kelơ – Tham mưu trưởng của Đờ Cátxtơri, để phục vụ ngay cho phát triển chiến đấu tiếp tục tấn công địch trên các mặt trận. Đồng thời tìm hiểu ý đồ của Pháp, Mỹ để ta chuẩn bị kế hoạch chiến lược lâu dài của cách mạng.
Sau khi trao đổi với anh Lê Trọng Nghĩa – Cục trưởng, tôi đã giao nhiệm vụ cho một số cán bộ tình báo như các anh Mạc Lâm, Hùng Châu, Mạnh Thái cùng khẩn trương đến ngay trại tù binh ở Tuyên  Quang để khai thác số tù binh ta vừa bắt được ở Điện Biên Phủ đưa về đấy.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi thị sát chiến trường Điện Biên Phủ sau khi quân ta đại thắng.
Qua thời gian gần một tháng thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này, các đồng chí đã khai thác và chọn lọc, tổng hợp được nhiều vấn đề rất có giá trị về tác chiến lúc bấy giờ và cả về chiến lược lâu dài qua ý đồ của địch đối với Đông Dương sau Điện Biên Phủ. Ngoài ra, đồng chí Mạnh Thái còn báo cáo trong quá trình hỏi cung, tướng Đờ Cátxtơri đã đề nghị cho ông ta được phát biểu vài cảm nhận về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ông ta nói: “Tướng Giáp là một người thông minh, dũng cảm, một người giỏi chỉ huy du kích. Ông ấy cũng giỏi về chính trị, về chủ nghĩa cộng sản. Chúng tôi đã thấy rõ điều đó. Nay qua trận Điện Biên Phủ, tôi thấy Tướng Giáp không những giỏi về chỉ huy đánh du kích, mà còn giỏi cả về chỉ huy trận địa chiến, chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng, và cả về nghi binh đánh lừa tình báo đối phương.
Điều làm tôi hết sức ngạc nhiên là không biết Tướng Võ Nguyên Giáp đã tốt nghiệp từ những trường, học viện võ bị cao cấp nào. Ông Giáp đã bí mật đi nghiên cứu ở Nga Xô chăng? Đôi khi tôi nghĩ rằng hay Tướng Giáp là một trong số ít người trước đây đã được đào tạo ở Trường Võ bị Xanh Xia (Saint Cyr) của chúng tôi và nay ông đi làm Việt Minh? Hay là Tướng Giáp đã tốt nghiệp học viện quân sự ở Mỹ?
Quân đội viễn chinh Pháp và các tướng tá Pháp chúng tôi là một đội quân nhà nghề, thiện chiến và trang bị hiện đại. Sự kiện Tướng Giáp thắng chúng tôi ở Điện Biên Phủ làm chúng tôi ngạc nhiên về tài năng của ông ấy. Chúng tôi biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trí thức và là một giáo sư đã từng dạy học ở Hà Nội. Nhưng không phải nguồn kiến thức nào cũng biến được thành tri thức quân sự, không phải người trí thức nào cũng biến được thành vị tướng giỏi đâu.
Nhất định Tướng Giáp đã tốt nghiệp tại học viện quân sự cấp cao ở Nga Xô hoặc ở Mỹ. Là chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tôi đã làm tất cả những gì để bảo vệ nó suốt 56 ngày đêm trước áp lực ghê gớm của quân đội Tướng Giáp, có thể nói tôi đã làm hết sức mình trên chiến trường, còn thua cuộc ở đó là do nhiều nguyên nhân. Nhưng tôi thừa nhận Tướng Giáp rất sành sỏi binh nghiệp và khôn ngoan hơn, tài giỏi hơn tôi đã đành, mà còn hơn cả tướng Cônhi và Đại tướng Nava. Tôi hân hạnh được làm đối thủ của Tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như Tướng Giáp. Tôi ngưỡng mộ và kính phục ông”.
Thiếu tướng Cao Pha còn cho biết ông cũng đã được trực tiếp khai thác và hỏi cảm nhận của tướng Đờ Cátxtơri đối với trận Điện Biên Phủ. Đờ Cátxtơri đã không ngần ngại trả lời có vẻ đau xót: Các ông có biết không, Điện Biên Phủ phiên âm ra Pháp ngữ là Devien fou có nghĩa là tôi trở thành thằng điên
* Theo “Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam”, NXB QĐND năm 2010
Thiếu tướng Cao Pha (kể)Đại tá Bùi Đình Nguyên (ghi)

Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

NHỮNG ĐIỀU CÒN ÍT BIẾT VỀ CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ

Quân Pháp đã  “giúp” chúng ta 2 việc quan trọng góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ.

1      1. Ngày 20/11/1953 khi Pháp cho quân nhảy dù chiếm Điện Biên
Phủ, trung đội trinh sát 62 thuộc tiểu đoàn trinh sát 426 của Bộ tổng tham mưu đang trên đường hành quân hướng Lai Châu, được lệnh rẽ về Điện Biên Phủ với nhiệm vụ bám sát, điều tra Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đề phòng địch rút chạy.
 Đến đêm ngày 24/12/1953,   tổ trinh sát 426 gồm 6 đồng chí: Trần Phận trung đội trưởng C 62D – Tổ trưởng; Phạm Văn Mát, Trần Văn Chế, Trần Văn Tốn, Trần Văn Linh và một đồng chí trinh sát viên (đã hi sinh, chưa xác định được tên tuổi) thuộc C 62 được phái đi trinh sát khu vực Đông Nam sang Tây Nam sân bay Mường Thanh. Nhiệm vụ của tổ là điều tra công sự trận địa địch; thu thập giấy tờ vương vãi và dù hàng tiếp tế của địch; rình nghe động tĩnh, có điều kiện thì phục bắt tù binh. Trên đường vào trinh sát đồn địch, tổ phát hiện một dù hàng màu đỏ trong có nhiều hòm gỗ, khi mở hòm có 32 ảnh hàng không cỡ to và 25 tấm bản đồ với đầy đủ các chi tiết bình độ, địa hình về khu vực lòng chảo Điện Biên Phủ và các vùng lân cận, tỉ lệ1/25000 của địch mới in ấn và do máy bay thả dù xuống cho các cấp chỉ huy của Tập đoàn cứ điểm. Xác định được đây là chiến lợi phẩm quan trọng, các chiến sỹ ta đã lập tức mang về đại đội và báo cáo Sở chỉ huy tiền phương. Những tấm bản đồ đoạt được từ tay địch đã được Bộ chỉ huy chiến dịch chuyển về hậu phương in cấp tốc kịp thời phân phát tới các cấp tiểu đoàn và cán bộ binh chủng góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của toàn chiến dịch. Với thành tích trên Tổ trinh sát thuộc đại đội 62 tiểu đoàn 426, Cục Quân báo đã được tặng thưởng Huân chương chiến công và đây cũng là những huân chương đầu tiên của chiến dịch. Riêng đồng chí Trần Phận được thưởng Huân chương chiến công hạng Hai.


     2.Giữa tháng 4, để chuẩn bị cho đánh lớn, đạn đại bác 105 ly của ta đã gần cạn, nếu không có đạn pháo thì không thể tiếp tục tấn công.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: “Phải điện khẩn nhờ bạn Trung Quốc chi viện, nhưng Trung Quốc cũng rất hiếm đại bác 105 ly, vét các kho được 7.400 viên, chuyển sang gấp cho ta. Nhưng số này mãi đến cuối tháng 5/1954 mới tới Việt Nam, khi đó trận đánh Điện Biên Phủ đã kết thúc”.
   Vậy đạn đâu để đánh? Bộ chỉ huy quân Pháp tập trung thả dù tiếp tế cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Họ biết rất rõ việc làm bất đắc dĩ này đã cung cấp cho quân đội Việt Nam từng ngày, số lượng bao nhiêu, những chủng loại gì: vũ khí, đạn dược, lương thực…Biết rất rõ mà không có cách nào hạn chế, khắc phục được. Biết mà vẫn cứ phải tiếp tục làm với số lượng ngày một nhiều hơn, với thời gian không phải là 1 – 2 ngày, 1 – 2 tuần mà kéo dài suốt 34 ngày. Pháp đã huy động 100% lực lượng không quân để tiếp tế cả ngày, cả đêm vẫn không đáp ứng cho cái dạ dày Điện Biên Phủ. Phải nhờ cả máy bay vận tải loại mới của Mỹ để thả dù tiếp tế cho Điện Biên Phủ.
Và…Không quân Pháp đã thả dù sang trận địa ta, tổng cộng 5.000 viên đại bác 105 ly. Nếu không có sự “tiếp tế” của địch có lẽ trận đánh không thể thắng lợi vào ngày 7/5.

Xe đạp lên ngôi vua vận tải
   Theo tính toán, một người gánh 25 kg gạo, dọc dường bản thân người gánh ăn mất 24 kg,  như vậy lên đến ĐBP chỉ còn 1kg. Mỗi xe thồ lúc đầu chở được 100 kg, sau đó nâng lên 200, 300 kg, Có một dân công ở Phú Thọ, anh Ma Văn Thắng chở được 352 kg. Năng suất xe thồ gấp 10 lần dân công gánh bộ. Gạo ăn dọc đường cho người chuyên chở cũng giảm đi 10 lần. Như vậy 1 dân công với chiếc xe đạp thồ bằng 100 dân công gánh bộ. Đội quân xe đạp thồ xuất hiện ở Điện Biên là một sự kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử chiến tranh, không chỉ ở Việt Nam mà cả lịch sử chiến tranh thế giới.

Trận đánh của cả nước
Lần đầu tiên và cũng là sự kiện có một không hai trong lịch sử đánh giặc ngoại xâm của dân tộc ta, dân ra mặt trận nhiều hơn quân đội. kế hoạch triển khai 50.000 nam và nữ quân nhân tham gia chiến đấu và 20.000 dân công hỏa tuyến ở mọi lứa tuổi tham gia tiếp tế.Chỉ tính riêng đội quân xe đạp thồ (hơn 2 vạn) đã đông hơn số quân chủ lực.
Chưa tính và không thể nào tính hết được biết bao nhiêu dân công tiếp lương, tải đạn, làm đường suốt biên giới trở về, từ đồng bằng khu 3, khu 4, Trung Du ngược lên, trên mọi nẻo đường. Dân nuôi quân, che chở, chăm lo từng bước quân đi.
Trên mọi mặt trận từ đồng bằng, khu 3, khu 4, Bình Trị Thiên, miền Trung, khu 5, Tây Nguyên cho đến Nam Bộ - ở đâu đâu, bất cứ trận đánh lớn nhỏ, đánh sân bay, kho tàng, đánh thật hoặc đánh nghi binh... tất cả đều đặt lên hàng đầu một mục tiêu là: phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ.
Trung ương Đảng và Chính phủ động viên toàn dân dốc sức chi viện cho trận Điện Biên Phủ. Một tổ chức đặc biệt được thành lập là Hội đồng cung cấp trung ương do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Thời gian này ở lại hậu phương phần lớn chỉ là người già yếu và trẻ em. Chưa bao giờ khát vọng vì độc lập tự do, ý chí, tinh thần của dân tộc Việt Nam "quyết tâm đánh thắng giặc, tất cả cho tiền tuyến" lại trở thành sức mạnh vật chất một cách cụ thể, hùng hậu đến như vậy.
Trên mọi mặt trận từ đồng bằng, khu 3, khu 4, Bình Trị Thiên, miền Trung, khu 5, Tây Nguyên cho đến Nam Bộ - ở đâu đâu, bất cứ trận đánh lớn nhỏ, đánh sân bay, kho tàng, đánh thật hoặc đánh nghi binh... tất cả đều đặt lên hàng đầu một mục tiêu là: phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ.
Có thể nói rằng: mùa xuân năm 1954 - cả nước Việt Nam đánh trận Điện Biên Phủ.

   Sự cố không may, quân Pháp ở ĐBP biết được ngày giờ tấn công của quân ta là chiều ngày 25/1/1954… nhưng cũng chính đêm 25 tháng 1 ấy đã trở thành một mốc son lịch sử.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: “Ngày 25/1/1954 có một sự cố không may xảy ra, một chiến sĩ của Đại đoàn 312 bị địch bắt. Sau đó ta đã bắt được điện đài của địch gọi báo cho nhau: Việt Minh sẽ tấn công chiều 25/1 (thực tế sau này mới biết là do cơ quan hậu cần của ta điện báo cho nhau nên địch biết tin, không phải do chiến sĩ bị bắt). Vì thế Bộ chỉ huy quyết định hoãn lại 24 giờ, chuyển sang 26/1.
Trung tuần tháng 1/1954, ta đã chuẩn bị xong để tiến công Điện Biên Phủ. Về lực lượng: Ta có 27 tiểu đoàn bộ binh, địch có 12 tiểu đoàn (27/12); trọng pháo yểm trợ cho bộ binh ta có 64 khẩu, địch có 48 (64/48); pháo của ta đặt trên núi hướng xuống các vị trí tập đoàn địch ở lòng chảo; địch có 5 chiếc xe tăng loại nhẹ và có máy bay yểm trợ từ xa. Nhưng ta có 4 đại đội súng cối 120 ly 16 khẩu; 1 trung đoàn cao xạ pháo 37 ly 24 khẩu và rất nhiều súng DKZ (loại súng chống xe tăng) trang bị đến từng đại đội.
Phương án ban đầu là đánh nhanh thắng nhanh.

Cả đêm 25/1, Đại tướng Võ Nguyên Giáp suy nghĩ và thấy ba khó khăn hiện lên rất rõ:
Một là, bộ đội chủ lực của ta cho đến nay chỉ mới đánh tiêu diệt 1 tiểu đoàn địch có công sự vững chắc, nếu các công sự nằm liên hoàn trong một cứ điểm quân số 1 tiểu đoàn như ở Nà Sản, ta đánh đã không thành công, và bị thương vong nhiều.
Hai là, trận này là một trận đánh hợp đồng lớn, pháo binh và bộ binh chưa qua tập luyện, chưa qua diễn tập, vừa qua có trung đoàn trưởng xin trả lại pháo vì không biết phối hợp như thế nào.
Ba là, bộ đội ta từ trước tới nay chỉ quen tác chiến ban đêm ở những địa hình dễ ẩn náu, chưa có kinh nghiệm tấn công đồn ban ngày trên địa hình bằng phẳng, nhất là với một kẻ địch có ưu thế tập trung máy bay, pháo binh, xe tăng chi viện.
Lắng nghe, suy nghĩ ý kiến báo cáo của các tướng lĩnh từng sát cánh trong Bộ chỉ huy với ông, gần gũi nhất là đồng chí Hoàng Văn Thái, trăn trở về ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng là không đánh, thất bại là hết vốn”, suy nghĩ suốt đêm 25/1, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp quyết định phải cho lui quân. Phải họp ngay Bộ tư lệnh vào sáng hôm sau.
Trong cuộc họp Đảng ủy, Bộ chỉ huy mặt trận, Đại tướng trình bày các suy nghĩ của mình. Mọi người tuy trong lòng có những điều phân vân trước trận đánh. Nhưng nói chung ai cũng muốn cho đánh ngay. Với hy vọng vẫn có khả năng giành thắng lợi.
Ý kiến chưa thống nhất nên cuộc họp phải tạm dừng.
Tuy nhiên, sau đó mọi người phát biểu không ai tin rằng trận này sẽ chắc thắng, mà chỉ cho rằng có thể thắng.
Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp quyết định hoãn cuộc tấn công chiều hôm đó.
Lệnh lui quân được ban hành đến toàn mặt trận vào buổi chiều.
Tất cả các đơn vị lập tức lui về vị trí tập kết. Pháo lại phải kéo ra. Việc kéo pháo ra còn gian khổ nguy hiểm hơn nhiều so với kéo pháo vào. Máy bay địch liên tục trinh sát, ném bom quanh Điện Biên Phủ.
     Để có ngày chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954; một mốc son trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, cần ghi nhận một ngày rất quan trọng đó là ngày 25/1/1954, một bước ngoặt cho trận đánh Điện Biên Phủ, một quyết định vô cùng quan trọng không chỉ đối với quân đội ta ở Điện Biên Phủ mà còn với cả vận mệnh của dân tộc và Tổ quốc Việt Nam, không có quyết định trong ngày đó thì không biết có chiến thắng ngày 7/5/1954 hay không.
   Sau này, một số tướng lĩnh nổi tiếng của Quân đội ta khi nhớ về quyết định lui quân lịch sử ngày 26/1/1954 đã nói rằng nếu không có nó có thể cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta đã phải kéo dài thêm nhiều năm và nhiều người trong số họ đã không thể có mặt ở ngày chiến thắng.
Trong vòng gần 2 tháng trời sau đó, quân ta đã nghi binh đánh lạc hướng địch, và mở đường rộng hơn, dài hơn chung quanh núi rừng Điện Biên Phủ, lại kéo pháo vào, xây dựng công sự kiên cố hơn. Quân ta lại đào hào sâu hơn, tiếp cận gần hơn căn cứ của địch, lương thảo, vũ khí từ hậu phương dồn lên cho mặt trận nhiều hơn. Quân sĩ chuẩn bị đầy đủ cho trận đánh dài ngày, có thể sang đến cả mùa mưa. 
   Chiều 13/3/1954. Mặt trận dần dần lặn sau dãy núi phía Tây Điện Biên Phủ. Chiếc máy bay khu trục cuối cùng của quân Pháp vòng trở đầu về phía Đông theo hướng Hà Nội.
Sương buông nhẹ trên lòng chảo Điện Biên. Toàn mặt trận yên ắng lạ thường. Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi điện cho chỉ huy sở pháo binh: “Pháo binh đã sẵn sàng chưa?”
Quyền tư lệnh Đào Văn Thường trả lời: “Báo cáo tất cả đã sẵn sàng, chờ lệnh Bộ chỉ huy”.
Vì có sương mù nên các đơn vị bộ binh đề nghị cho tấn công sớm. Đại tướng đồng ý và dõng dạc ra lệnh: “Chiến dịch lịch sử bắt đầu, pháo binh bắn, bắn thật mạnh, bắn cấp tập”.
Cùng lúc, toàn bộ lực lượng pháo binh ta 40 khẩu đồng loạt nhả đạn.

Lúc đó là 17 giờ 05 ngày 13/3/1954.

Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

MỜI THAM KHẢO

Mời tham khảo bài :"  Những điều ít được biết đến về Tướng Giáp"

Tại:  http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20131013-nhung-dieu-it-duoc-biet-den-ve-tuong-giap



Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

TRUNG ĐOÀN 600 CỦA QUÂN ĐỘI PHÁP ĐÃ KỶ NIỆM ĐIỆN BIÊN PHỦ NHƯ THẾ NÀO ?


   Ngày 7 tháng 5 năm 1954 Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu đã kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp tại Đông Dương, đặt dấu chấm hết cho sự có mặt của người Pháp ở Việt Nam sau hơn 80 năm. Đội quân nhà nghề của Pháp dưới sự chỉ huy của Tướng De Castries đã kéo cờ đầu hàng vô điều kiện quân đội nhân dân Việt Nam. De Castries là một Tướng tài, được đào tạo bài bản và có nhiều năm kinh nghiệm chinh chiến tại Việt Nam. Ông ta là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 600 của quân đội Pháp tại Đông Dương và là người chỉ huy cao nhất của Pháp tại Điện Biên Phủ với quân hàm Chuẩn tướng.

   Năm  1998, Trung đoàn 600 (Trung đoàn do Tướng De Castries chỉ huy) đã tổ chức một cuộc hành quân từ Hà Nội về Điện Biên Phủ, theo dấu cuộc hành quân năm xưa (năm 1944) và tiếp sau đó đã tổ chức một buổi lễ giải thể, xóa phiên hiệu rất long trọng ở Paris - Pháp.

   Để kỷ niệm sự kiện trên họ đã đặt Hãng rượu Bordeaux, một thương hiệu nổi tiếng của Pháp sản xuất 600 chai rượu vang và thực hiện lại cuộc hành quân từ Hà Nội lên Điện Biên Phủ theo hành trình mà họ đã hành quân năm xưa. Những cựu binh Pháp của Tướng De Castries đã lấy 2 trong số 600 chai rượu Bordeaux nổi tiếng ấy, một chai tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ, người đã đánh bại họ, chai thứ hai tặng ông Trần Việt Tuấn nguyên Tổng Giám đốc Công ty du lịch cựu chiến binh Việt Nam, đồng thời là người chủ trì hành quân cho các cựu binh Pháp về lại Điện Biên - Chai rượu ấy được ông Trần Việt Tuấn, hiện tại là Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân An Bình trân trọng lưu giữ làm kỷ niệm.





Chai rượu Bordeaux tặng Đại tướng 



Một trong những cựu binh Pháp bị bắt ở ĐBP  
và trở lại ĐBP năm 1998 - Ông Pierre Bonny thời trẻ

Ông Pierre Bonny giờ đã 80 tuổi


    Khi được hỏi : " Ông đã nghĩ gì vào thời điểm biết thất thủ tại Điện Phủ ?"
    Ông Pierre Bonny cho biết: “Tôi chỉ nghĩ rằng Việt minh xứng đáng chiến thắng. Họ đã làm mọi điều để chiến thắng. Họ đặc biệt dũng cảm, đặc biệt kiên cường. Nhân dân Việt Nam đã thắng liên tiếp hai cuộc chiến tranh, trước người Pháp và người Mỹ. Họ đã thắng với những phương tiện chiến tranh khiêm tốn, nếu không muốn nói là yếu. Thế nên, yếu tố làm nên chiến thắng của họ chắc chắn phải là lòng dũng cảm, sức chịu đựng, sự quật cường”.





Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

“Bẫy thu nhập trung bình” và hậu quả của nó


SƯU TẦM
    Lời giới thiệu của blogger Hà Hiển: Những năm gần đây, thuật ngữ “bẫy thu nhập trung bình” (“middle income trap”) hay được báo chí sử dụng để chỉ ra một trong những nguy cơ đang hiển hiện đối với Việt Nam. Có thể một số người cảm thấy yên tâm khi đọc qua cụm từ này vì “trung bình” theo nghĩa phổ thông nói chung để chỉ một điều gì đó không tốt cũng không xấu. Nhưng khái niệm “bẫy thu nhập trung bình” trong kinh tế thì lại là một thứ cực kỳ tệ hại mà những quốc gia nào dính phải nó sẽ càng ngày càng tụt hậu và lụn bại so với thế giới mà không bao giờ ngóc đầu lên được, không chỉ làm cho kinh tế suy yếu mà an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ cũng khó được bảo toàn với vị thế quốc gia trên trường quốc tế sẽ ngày càng đi xuống.
Xin được giới thiệu bài viết sau đây của một bạn đọc trên trang Alan Phan với nick name Thongphamdhkvề “bẫy thu nhập trung bình”. Nội dung bài viết không “hàn lâm” như những bài viết của nhiều tác giả khác là các chuyên gia kinh tế học khi viết về cùng chủ đề này mà nó dễ đọc hơn với những ví dụ và phân tích nôm na, đơn giản, dễ hiểu - rất bổ ích và cần thiết để “khai sáng” cho những người “ngoại đạo” trong lĩnh vực kinh tế như chủ blog này. Nếu bạn đọc nào cũng có nhu cầu cần được “khai sáng” như tôi về lĩnh vực này thì chúng ta cùng đọc nhé:

Bẫy thu nhập trung bình là gì?
Vừa qua, trên các trang báo (giấy/mạng) có đăng tải nội dung: Việt Nam đã “rơi vào bẫy thu nhập trung bình” theo nhận xét của giáo sư Nhật Ohno được đưa ra trước nhiều học giả Việt Nam tại hội thảo “Khởi tạo động lực tăng trưởng mới: Tăng cường liên kết doanh nghiệp FDI – nội địa” do trường Đại học kinh tế Quốc dân, và Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản tổ chức ngày 26-3 tại Hà Nội:http://www.baomoi.com/Chuyen-gia-Nhat-Viet-Nam-da-roi-vao-bay-thu-nhap-trung-binh/45/13408032.epi
Tuy nhiên, qua tiếp xúc với rất nhiều đối tác, các doanh nghiệp, kể cả môt số bạn bè trong giới Ngân Hàng, tôi nhận thấy không mấy ai quan tâm tới thông tin nầy.
Vậy, bẫy thu nhập trung bình là gì? tác động của nó ra sao?… và ảnh hưởng gì tới mỗi doanh nghiệp, cá nhân, gia đình chúng ta?
Để tiện thảo luận nhằm hiểu thêm về nội dung trên, theo góc nhìn của mình, tôi cũng xin phép có một số thiển ý về đề tài trên.
Để thuận tiện trong việc lý giải, minh hoa, tôi có thể tạm lấy một ví dụ nhỏ:
Giả định ta có 2 doanh nghiệp Spo và Vila, cùng kinh doanh những ngành nghề tương tự, qui mô sản xuất, kinh doanh tương tự nhau.
Trường hợp 1: Để kinh doanh, doanh nghiệp Spo có vay một số tiền 500.000.000đ, lãi suất 1%/tháng. Cuối tháng, doanh nghiệp Spo dư ra 35.000.000đ, sau khi trã lãi 5.000.000đ, trả vốn vay 20.000.000đ, họ còn 10.000.000đ để tái đầu tư, phát triển sản xuất. Sau gần 25 tháng, Spo đã hoàn vốn vay, và có đủ nguồn lực để tăng tốc phát triển.
Trường hợp 2: Đối với doanh nghiệp Vila, với văn hóa kinh doanh “đặc thù” tự soạn, ngoài những khoản đầu tư thiết yếu cho sản xuất, kinh doanh, họ còn phát sinh nhiều chi phí khác không thực sự hổ trợ cho kinh doanh, cùng với bộ máy nhân sự cồng kềnh không cần thiết, đính kèm với cơ sở vật chất phục vụ cho mình. Tuy nhiên, do điều kiện vay mượn dể dàng, cuối cùng doanh nghiệp Vila cũng đã vay được tiền cho nhu cầu kinh doanh, nhưng với nhiều lần vay, mức vay của họ đã lên đến 2.000.000.000đ (cũng với mức lãi suất 1%/tháng) mới hoạt động được doanh nghiệp của mình. Cuối tháng doanh nghiệp Vila dư ra 35.000.000đ, họ trả lãi vay 20.000.000đ, trả vốn vay 5.000.000đ, còn 10.000.000đ để duy trì sự sống cho bộ máy cồng kềnh của mình. Sau gần 400 tháng (khoảng 33 năm), doanh nghiệp Vila mới hoàn tất việc trả hết vốn vay.
Trong 2 trường hợp nêu trên, trường hợp thứ 2 của doanh nghiệp Vila có thể được xem là trường hợp đã “rơi vào bẫy thu nhập trung bình“. Và nếu doanh nghiệp Vila vẫn chưa ý thức được tình trạng của mình, tiếp tục vay thêm tiền để hoang phí, thời gian hoàn vốn có thể nhân đôi so với số thời gian phía trên.
Hậu quả của việc rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”
Nếu tôi là nhà đầu tư tài chánh khôn ngoan, tôi sẽ đi “săn lùng” một tay doanh nghiệp ngơ ngáo nào ham thích tiêu xài, thừa tham vọng, thiếu kiến thức, nhưng có tài sản đảm bảo, tôi sẽ cho hắn vay tiền thật thoải mái, nhưng phải “cân đối” chỉ vừa đủ cho dòng họ của “hắn” cày bừa suốt ba đời để nuôi gia đình tôi ăn không ngồi rồi.
Nếu đã lọt “bẫy” rồi mà “hắn” còn không biết khôn, không chịu tiết kiêm, vẫn còn nhu cầu và sẳn sàng vay mượn tiếp tục để hoang phí, tôi cũng sẽ cho vay tiếp, nhưng chắc chắn là phải đính kèm với một số điều kiện liên quan tới “đất đai lãnh thổ” thuộc tài sản thế chấp của hắn – dĩ nhiên là phải giá hời.
Bảo đảm là khi đã “ sụp bẫy” rồi thì con “mồi” khó mà thoát khỏi một sớm một chiều.
Thông tin “Việt Nam dã rơi vào bẫy thu nhập bình quân” thật sự là một thông tin vô cùng xấu đối với toàn thể người VN, vì chúng ta sẽ chỉ còn tồn tại, kéo dài sự sống, chớ không còn đủ nguồn lực để phát triển, vì tất cả công sức của cả nền kinh tế đều phải dành cho trả nợ, và tình trạng nầy sẽ kéo dài không dưới 3 thập kỷ.
Từng người dân, mọi doanh nghiệp VN, sẽ luôn cảm thấy áp lực từ các loại chi, phí ngày càng tăng như việc tăng giá xăng, dầu, điện, nước, lệ phí giao thông,... các loại nghị định xử phạt ngày càng nặng, các kiểu quyết toán thuế, quyết toán quí, tháng, năm... dể làm Knock-out bất cứ công ty sừng sỏ nào, các loại phí trong dân sẽ ngày càng vô cùng đa dạng, các kiểu thuế chồng thuế, phí chồng phí ngày càng phổ biến, theo “định hướng” ngày càng tăng không có điểm dừng,…
Tốc độ gia tăng của các loại phí sẽ phi nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng lương, sẽ làm cho người dân nghèo đi trông thấy. Tất cả nguồn thu sẽ được khai thác sử dụng triệt để cho nhu cầu trả nợ, kể cả “chi phí” cho bộ phận trung gian hành chính giúp ta làm động tác trả nợ. Và do đó, trong tương lai, chúng ta sẽ không còn phải lạ gì nữa với các “hiện tượng” trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, như việc một mặt là kêu gọi khoan sức dân, khoanh nợ, giãn nợ, giãn thuế... cho doanh nghiệp, nhưng mặt khác, việc giao chỉ tiêu thu ngân sách vẫn luôn phải năm sau cao hơn năm trước, cho dù có biết doanh nghiệp vẫn đang và sẽ con tiếp tục phá sản như rạ.
Nếu bạn ở trong một quốc gia đang bị nhốt bởi “chiếc bẫy thu nhập bình quân”, ngoài việc “nỗ lực làm hoài không thấy tiền đâu” do đã luôn luôn bị trực tiếp (hoặc gián tiếp) điều tiết lên “trên” để góp phần trả nợ chung, mỗi doanh nghiệp chúng ta cũng rất dễ rơi vào bẫy thu nhập bình quân trong quá trình kinh doanh: Nếu tiền thuê nhà quá cao, nếu phải vay chợ đen, nếu vung tay quá trán… có thể cả đời còn lại của chúng ta sẽ chỉ “làm cho chúng ăn”. Một khi đã sụp bẫy, việc phá sản luôn nằm trong tầm tay. Một số minh chứng về hiện tượng nầy, các bạn có thể tham khảo qua bài ”Cấp thiết giảm lãi vay nợ cũ (http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140402/cap-thiet-giam-lai-vay-no-cu.aspx)
Con, cháu nhiều thế hệ sau của chúng ta, nếu được chúng ta đầu tư cho học hành tới nơi tới chốn, có trình độ tương đương các nước như Hoa Kỳ, Canada, Singapore…, và nếu chúng làm việc thật sự có năng lực và siêng năng như mọi nhân viên của các quốc gia phát triển khác, nhưng một khi đã làm việc, công tác tại một công ty Việt Nam, có khả năng các cháu chỉ nhận được một mức lương khiêm tốn bằng 1/10 so với đồng nghiệp tại các nước phương Tây, vì các cháu cũng phải “gián tiếp” chung tay chung sức góp phần trả nợ do nhiều đời trước vay mượn rồi.
Sau khi tham gia TPP (nếu được), nền kinh tế Việt Nam sẽ “có vẻ phát triển” do sự “đóng góp” của các đối tác mới, một số chỉ số phát triển sẽ tăng, nhưng phần lớn sự đóng góp để vẽ lên “báo cáo thành tích phát triển” đó, đa phần đều sẽ xuất phát từ khối FDI, và dỉ nhiên, các chỉ số phát triển đó cũng sẽ không đóng góp được gì nhiều trong thực tế cho việc giãm “rổ” nợ nần của chúng ta.
Một khi đã ở trong “bẫy”, cũng đồng nghĩa với việc bị cách ly với thế giới phát triển tự do đang nằm ngoài “bẫy”, việc tăng trưởng chung của toàn thế giới sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển của những “ai” đang ở bên ngoài “bẫy”, trong đó có cả khối FDI (cho dù họ đang đóng trên địa bàn của quốc gia dính “bẫy”), nhưng chắc chắn sự tăng trưởng đó cũng không giúp được gì nhiều lắm cho quốc gia dính “bẫy”.
Một khi đã dính “bẫy”, chúng ta sẽ phải loay hoay dậm chân tại chỗ trước sự tiến bộ không ngừng của các nước khác. Nói cách khác, chúng ta luôn phải quay cuồng cho sự tồn tại của chính mình, không thể hòa nhập vào xu hướng / tốc độ phát triển chung của thế giới cho dù rất muốn.
Khi đã dính “bẫy”, nội lực của quốc gia sẽ chỉ dao động theo một biểu đồ hình SIN trên một trục HOÀNH nằm ngang.
Là doanh nghiệp trong một quốc gia dính “bẫy”, vị trí doanh nghiệp của bạn sẽ ở đâu đó trên biểu đồ hình SIN với mức dự trữ ngân sách chung (để hổ trợ cho sự phát triển) luôn được biểu thị bằng một biểu đồ nằm ngang cố định.
Bạn có thể không đến nổi nghèo nếu may mắn, nhưng cũng khó có thể giàu, và dĩ nhiên, việc doanh nghiệp của bạn có thể “sánh vai với các cường quốc năm châu” chỉ là một điều viển vông nếu bạn vẫn còn kinh doanh ngay thẳng, thuế và phí sẽ không bỏ qua bất kỳ cơ hội “điều tiết” mọi dự trữ (nếu có) của bạn.
Khi một quốc gia nào đó đã dính “bẫy”, người dân quốc gia đó cũng nên hiểu rằng, cả dân tộc họ đang luôn phải “tận tụy” hàng nhiều thập kỹ để đóng góp thêm cho khối tài sản khổng lồ của những tay tỉ phú “tư bản” nào đó đang chơi golf hay đang phơi nắng trên những chiếc du thuyền lộng lẫy ở đâu đó…
Khi một quốc gia nào đó đã dính “bẫy”, cũng đồng nghĩa với việc thể chế kinh tế của quốc gia đó thật sự có “vấn đề”. Nếu muốn thoát khỏi “bẫy” mà vẫn không chịu thay đổi và hoàn chỉnh nhanh thể chế một cách tốt đẹp, khoa học hơn, dân tộc đó chắc chắn sẽ ngày càng lún sâu vào nợ nần. Tuy cũng có thể có những người siêu giàu nhờ nắm bắt được “cơ hội” trong “ao nước đục”, nhưng cũng sẽ hình thành một cách song hành một số lượng vô cùng lớn những người thuộc diện nghèo “ rớt mùng tơi”, đặc biệt là ở lĩnh vực nông nghiệp.
Sau TPP, cả thế giới sẽ nhảy vào kinh doanh và phát triển trên mãnh đất VN, nhưng có lẽ hai từ “phát triển” sẽ chỉ thành hiện thực đối với một số rất ít doanh nghiệp VN có tiềm lực vượt trội (trong đó cũng sẽ có một số doanh nghiệp đã tạo được nội lực nhờ vào OPM trước đây). Tuy nhiên, đối với đa phần còn lại, nếu chỉ cần còn tồn tại được thì cũng phải được xem như một thành tích vượt bậc đáng biểu dương.
Lĩnh vực dịch vụ sẽ phát triển tốt sau TPP, nhưng do cạnh tranh, doanh nghiệp VN ta chỉ đạt ở mức khá chứ khó giàu, chủ yếu là B phẩy cho doanh nghiệp nước ngoài.
Trong sự tương tác của gia đoạn hội nhập sắp tới, trong một comment trước đây (http://danluat.thuvienphapluat.vn/mot-bai-viet-dang-suy-ngam-98197.aspx), tôi có dự báo về viển cảnh không sáng sủa của nền kinh tế Việt Nam ta trong thời gian tới. Tuy nhiên, một khi đã rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, có lẽ viển cảnh nầy sẽ trở thành sự thật, nhưng với gam màu có thể còn còn tối hơn.
Thật ra, Việt Nam ta chỉ mới chính thức bắt đầu “tự chui vào bẫy” ngay sau khi tham gia WTO, do thời thế đã tạo ra các dòng tiền kiếm được quá dể dàng từ nhiều nguồn vay mượn tuôn vào như nước, cùng với việc vung tay quá…nóc nhà, đã làm hao phí xã hội tăng quá cao so với hiệu suất thật sự của dòng tiền mang lại.
Chỉ tiêu TFP – chỉ tiêu đo lường năng suất của đồng thời cả “lao động” và “vốn” cho nền kinh tế – được giáo sư người Nhật đưa ra (mà trong comment nói trên của tôi cũng có đề cập) là chỉ số quan trọng nói lên NĂNG SUẤT của toàn XÃ HỘI.
Việc ưu tiên sử dụng nguồn lực khổng lồ cho doanh nghiệp nhà nước, nhưng hiệu suất của những doanh nghiệp nhà nước nầy mang lại cho xã hội thấp hơn rất nhiều so với doanh nghiệp dân doanh có nguồn lực khiêm tốn, việc lãng phí, hao phí do tham nhũng trong đầu tư công, chi phí do việc phải gồng gánh bộ máy cồng kềnh kém hiệu quả…là những nguyên nhân chính làm NĂNG SUẤT XÃ HỘI trở nên vô cùng yếu kém, góp phần quyết định đưa chúng ta sớm sập “bẫy”.

Làm thế nào để thoát “bẫy”?
Cho đến thời điểm hiện nay, mặt dù đã chính thức rơi vào “bẫy thu nhập bình quân”, nhưng những hiện tượng như phung phí trong đầu tư công, tham nhũng, đầu tư vẫn dàn trãi… vẫn còn tiếp tục…, thì chắc chắn viec lưu lại trong “bẫy” của Việt Nam mỗi lần công thêm về thời gian sẽ phải tính từng thập kỷ.
Đương nhiên, việc sập “bẫy” thì phải tìm lối thoát. Tuy nhiên, một điều đáng buồn, là có lẽ hiện nay, chúng ta vẫn chưa tìm thấy con đường nào khả thi để thoát, và như phó hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế Quốc dân Trần Thọ Đạt nhận xét: dư địa cho tăng trưởng theo chiều rộng của mô hình kinh tế Việt Nam không còn, do vậy, muốn đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn, Việt Nam cần tạo ra động lực mới cho tăng trưởng. Nhưng đây là điều khó khăn. Ông Đạt băn khoăn: “Những động lực mới cho tăng trưởng là gì? Làm thế nào để tạo ra động lực này?”.
Thật ra, cách đặt vấn đề như ông Đạt về động lực tăng trưởng là không sai, nhưng theo tôi, hiện nay, không còn động lực tăng trưởng nào đủ lớn để giúp chúng ta sớm thoát “bẫy”, chưa nói là khả năng nằm luôn trong “bẫy” là rất cao.
Theo tôi, phải có một môi trường kinh doanh hoàn toàn mới, hơn hẳn hiện nay, họa may mới có thể tạo ra động lực tăng trưởng mới hiệu quả hơn hẳn, mà môi trường nầy kinh doanh nầy chỉ có thể có được khi và chỉ khi ta thay đổi triệt để thể chế kinh tế hiện nay, một thể chế thật sự pháp quyền, đủ sức tiêu diệt tham nhũng, tạo công bằng trong cạnh tranh, trong phân bổ nguồn lực, tạo mọi sự công bằng giữa người với người…
Chúng ta đang có một cơ hội thật sự lớn là, sắp tới, nếu chúng ta tham gia được vào TPP, một mặt là nhờ sức ép từ luật chơi chung, một mặt là nếu chúng ta quyết tâm thay đổi, biết nhanh chóng nắm bắt cơ hội, thì đây có lẽ là cơ hội cuối cùng trong vòng 50 năm trở lại đây để chúng ta thay đổi thể chế kinh tế, tạo cơ hội phát triển để có thể sớm thoát “bẫy”, góp phần thay đổi bộ mặt của dân tộc Việt Nam.